Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 01:11
Thứ ba, 21/05/2024 16:05
TMO - Tỉnh Kon Tum xác định, nguồn nước dưới đất có vai trò rất quan trọng để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, việc phân vùng, áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất là giải pháp quan trọng để khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất, trong những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực nước dưới đất có tiềm năng lớn, là đối tượng khai thác chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt, các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt; xã đặc biệt khó khăn và khó khăn;
Đồng thời, thống kê, rà soát, phân loại và lập danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về các hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
UBND các huyện, thành phố quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác trên địa bàn....
Nguồn nước dưới đất giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TH.
Địa phương này đã triển khai phân vùng áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, các ngành chức năng đã thực hiện dự án điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh với 378 khu vực, có tổng diện tích 208,05km2 được phân bố tại các xã, phường, thị trấn, với các vùng hạn chế 1 có 269 khu vực với diện tích hạn chế 81,31 km2; Vùng hạn chế 3, có 61 khu vực, diện tích hạn chế 114,46 km2; Vùng hạn chế 4, có 14 khu vực, diện tích hạn chế 9,06 km2; Vùng hạn chế hỗn hợp (1-3), có 22 khu vực, diện tích hạn chế 2,37 km2; Vùng hạn chế hỗn hợp (1-4), có 12 khu vực, diện tích hạn chế 0,85 km2.
Trong đó, tại vùng hạn chế 1 đối với các khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường thì dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý trám lấp giếng theo quy định. Đối với khu vực liền kề không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới đối với khu vực liền kề kể từ đường biên của bãi chôn, lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung.
Đối với công trình không có giấy phép trong phạm vi khu vực liền kề, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải dừng hoạt động khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai. Đối với công trình có giấy phép trong phạm vi khu vực liền kề thì được tiếp tục khai thác đến hết hiệu lực của giấy phép và chỉ gia hạn, điều chỉnh, cấp lại đối với công trình cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai nếu đủ điều kiện để được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Tại vùng hạn chế 3: Diện tích vùng hạn chế khai thác 3 không tiến hành cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới; Đối với công trình không có giấy phép thì dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định, trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng chống thiên tai thì được xem xét, cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Đối với công trình đã có giấy phép thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và tiếp tục được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Địa phương này triển khai phân vùng áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất. Ảnh: HT.
Tại vùng hạn chế 4: Diện tích vùng hạn chế khai thác 4 không tiến hành cấp phép khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới có quy mô khai thác từ 10.000 m3/ngày trở lên trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho các mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai. Đối với các công trình không có giấy phép thì dừng hoạt động khai thác, được cấp giấy phép theo quy định và chỉ được khai thác khi được cấp giấy phép. Đối với công trình đã có giấy phép thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Vùng hạn chế hỗn hợp được xem xét, quyết định trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng với từng vùng hạn chế 1, 3, 4 theo thứ tự từ vùng hạn chế 1, 3, 4. Cụ thể như sau: Đối với các khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường: dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý trám lấp giếng theo quy định. Đối với khu vực liền kề bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung: Dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có, tiến hành trám lấp giếng khai thác theo quy định (đối với khu vực nghĩa trang tập trung). Không cấp giấy phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.
Đối với công trình không có giấy phép: Dừng hoạt động khai thác, thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định; trừ công trình đang khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai. Đối với công trình có giấy phép: Được tiếp tục khai thác đến hết thời gian hiệu lực của giấy phép và chỉ gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép đối với công trình đang khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố Danh mục và Bản đồ phân bố các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Kon Tum theo đúng quy định pháp luật; Triển khai Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.
UBND các huyện, thành phố tổ chức công khai Danh mục và Bản đồ phân bố các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Kon Tum trên Trang thông tin điện tử của địa phương; Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn; Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất và việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn...
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất thông qua việc khoanh định, thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; rà soát xử lý, trám lấp các giếng không sử dụng và kiểm soát các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất quá mức, xâm nhập mặn, ô nhiễm và sụt lún bề mặt đất ở các khu vực đô thị, khu vực đồng bằng,
Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ hiện nay chưa được các cấp quan tâm, quản lý đúng mức, trong quá trình thi công đã xảy ra tình trạng sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất ở một số nơi mà chưa được xử lý, khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn.
Trong đó, các tỉnh tập trung rà soát các giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã thực hiện xong trên địa bàn tỉnh mà không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng, đồng thời yêu cầu các chủ giếng (chủ dự án) thực hiện việc xử lý, trám lấp theo quy định.../
Ngọc Mai
Bình luận