Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ tư, 07/06/2023 20:06
TMO - Để triển khai cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều ý kiến cho rằng có kế hoạch cụ thể, mục tiêu rõ ràng, phân định trách nhiệm các bên có liên quan.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, diễn biến nhanh và phức tạp, hậu quả khó đoán định, gây ảnh hưởng nặng nề trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đến mọi mặt đời sống xã hội, sinh kế của người dân. Theo các chuyên gia, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần thiết, cần phải nỗ lực triển khai thường xuyên để đảm bảo sự chủ động thích ứng, bảo vệ cộng đồng, môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn, ổn định, phát triển đời sống kinh tế - xã hội quốc gia và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, để thể hiện một đất nước Việt Nam trách nhiệm, hành động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Vỏ thuốc bảo vệ thực vật - một trong những vấn đề cần được quan tâm, giải quyết.
Các chuyên gia cho rằng, phải xây dựng các kế hoạch cụ thể kèm mục tiêu rõ ràng, phân định trách nhiệm các bên liên quan. Cụ thể, cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, đôn đốc, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình; Ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu và giải pháp thông minh trong hành động của Việt Nam, có chính sách quy hoạch và phát triển dài hạn, lồng ghép mục tiêu thích ứng và mục tiêu giảm phát thải. Cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cho ngành nông nghiệp vì đây là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, chiếm gần 20% GDP, liên quan rộng đến nhiều bộ phận xã hội trong cả nước, 54% dân số lao động và gần 35% diện tích đất của cả nước, vừa là ngành chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu lại đồng thời là ngành tạo ra lượng phát thải lớn chiếm 10 đến 25%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo Nghị định số 94 của Chính phủ. Nghị định này đã giúp không ít địa phương tháo gỡ được nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp. Do đó, nhiều địa phương đã quyết tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn tồn tại một số điểm hạn chế như: để chuyển đổi cơ cấu thì các địa phương phải báo cáo với các bộ hàng năm nên địa phương thiếu tính chủ động, cần có hướng dẫn.
Do đó, cần có hướng dẫn đầy đủ hơn về việc lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới; quy định mật độ xây dựng một số công trình phụ trợ phục vụ phát triển sản xuất như nhà sơ chế, nhà tạm và bảo vệ... Cần có quy định rõ hơn việc chuyển đổi đất trồng lúa sang chăn nuôi, đồng thời nên phân cấp cho địa phương được chủ động quyết định chuyển đổi nội hàm cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản. Quyết định tỷ lệ xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ trong nội bộ đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao.
Phạm Dung
Bình luận