Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ ba, 13/06/2023 13:06
TMO - Bộ Công Thương cho rằng, thực hiện chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu biomass và amoniac cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp, đảm bảo phát thải CO2 theo lộ trình như đã cam kết của Việt Nam với các đối tác quốc tế, đồng thời phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Tháng 12/2022, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tể (IPG), bao gồm: Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy) đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyền đổi năng lượng công bằng (JETP - Just Energy Transition Partnership), trong đó thời gian đạt phát thải đỉnh của Việt Nam vào năm 2030 và phát thải không quá 170 triệu tấn CO2 vào năm 2030 với sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế về công nghệ và tài chính.
Quy hoạch Điện VIII được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đối với nhiệt điện than: Chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Khẩn trương hoàn thành 6 dự án /6.125 MW đang xây dựng: Na Dương II, An Khánh - Bắc Giang, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, Vân Phong I, Long Phú I. Không triển khai 13.220 MW nhiệt điện than: Quảng Ninh III, Cẩm Phả III, Hải Phòng III, Quỳnh Lập I, II, Vũng Áng III, Quảng Trạch II, Long Phú II, III, Tân Phước I, II. Chuyển dự án Quảng Trạch II sang sử dụng LNG trước năm 2030. Định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh.
Bộ Công Thương cho rằng, thực hiện chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu biomass và amoniac cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp, đảm bảo phát thải CO2 theo lộ trình như đã cam kết.
Để thực hiện chuyển đổi nhiên liệu trong các nhà máy nhiệt điện than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và 3 Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 cùng các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đốt than... nhấn mạnh đến những khó khăn cần được tháo gỡ.
Cụ thể EVN đang quản lý, vận hành 15 nhà máy nhiệt điện than với 36 tổ máy có tổng công suất đặt 12.633 MW, trong đó có 2 tổ máy đã vận hành trên 20 năm với công suất 600 MW, 4 tổ máy đã vận hành xấp xỉ 40 năm với tổng công suất 440 MW, 4 tổ máy vận hành gần 50 năm với tổng công suất 100 MW. Đến năm 2030 có thêm 4 tổ máy vận hành trên 20 năm với tổng công suát 1.230 MW.
Hiện EVN đã và đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và có kế hoạch chuyển đổi với một số tổ máy của nhà máy như: Uông Bí mở rộng (tổ máy S7), Quảng Ninh (S1, S2) với loại nhiên liệu dự kiến sinh khối/amoniac… Tuy nhiên, khó khăn chính là công nghệ đốt trộn amoniac hiện nay trên thế giới chưa hoàn thiện, mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm; chưa có nhà máy nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đồng đốt amoniac và có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật cũng như các ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường và thiết bị. Ngoài ra, khả năng cung cấp nhiên liệu amoniac/sinh khối trong giai đoạn hiện nay của các đơn vị trong nước và trên thế giới còn hạn chế, chưa bảo đảm nguồn để vận hành lâu dài và ổn định.
Tổng Công ty phát điện 1, 2, 3, cùng các chủ đầu tư khác cũng nêu băn khoăn về giá biomass trên thị trường cao hơn giá than, chưa có cơ chế chính sách về hỗ trợ giá chuyển đổi cho nhà máy thực hiện đồng sinh khối, amoniac để các nhà máy mở rộng thử nghiệm, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu lâu dài và chất lượng. Ngoài ra, còn các khó khăn như vướng mắc về các thủ tục cấp phép liên quan, thủ tục môi trường ở Việt Nam do chưa có quy định cho loại hình năng lượng mới; chi phí đầu tư cải tạo, nâng cấp lớn, giá thành sản xuất điện sẽ có xu hướng tăng và tính hiệu quả kinh tế không cao trong khi tuổi thọ các hệ thống, thiết bị đã qua nhiều năm vận hành sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu hồi vốn của dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể chuyển đổi thành công nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac, Chính phủ, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan cần sớm có lộ trình cũng như cơ chế, chính sách cụ thể về quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ tài chính, giá bán điện,... làm cơ sở để các nhà máy nhiệt điện và các đơn vị liên quan triển khai.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu Biomass (sinh khối) và Amoniac cần phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp, bảo đảm phát thải CO2 theo lộ trình như Việt Nam đã cam kết; đồng thời phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện tất cả các tác động trong mọi lĩnh vực để xây dựng chương trình, giải pháp cụ thể bảo đảm thực hiện, không gây bất lợi, thiệt hại cho tất cả các đối tượng khi tham gia chuyển đổi nhiên liệu.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đề nghị EVN, PVN, TKV và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than nghiên cứu, đánh giá dựa trên các điều kiện thực tế của từng nhà máy về thời gian vận hành, đặc tính kỹ thuật, để đưa ra giải pháp và lộ trình chuyển đổi phù hợp, đáp ứng các yêu cầu với các nội dung:
Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và amoniac để triển khai áp dụng khi đủ 20 năm vận hành, bảo đảm hiệu quả kinh tế của nhà máy. Thứ hai, đối với các nhà máy điện than không thể thực hiện chuyển đổi nhiên liệu hoặc không thu giữ CO2, đề nghị nghiên cứu xây dựng phương án dừng hoạt động khi nhà máy đã vận hành đủ 40 năm.
Bộ trưởng cũng đề nghị chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than rà soát lại phương án để chuẩn bị nguồn nhiên liệu sơ cấp, phục vụ hoạt động của nhà máy trong mọi tình huống. Các chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà máy nhiệt điện than cần tổ chức quán triệt kỹ trong đơn vị tinh thần việc chuyển đổi là phải làm.
Bên cạnh đó, chú trọng tìm hiểu, đề xuất cơ chế, chính sách của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực dựa trên các cam kết, tuyên bố của họ trên các diễn đàn, như Tuyên bố JETP... Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ tập hợp và có kiến nghị với tổ chức quốc tế. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ chủ trì với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách từ phía Việt Nam dựa vào những cam kết của các tổ chức quốc tế để đưa ra một số cơ chế chính sách ban đầu.
Thu Hường
Bình luận