Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 16:11
Chủ nhật, 14/05/2023 07:05
TMO - Tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025. Tổng công suất điện tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (gồm: điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh. Cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đạt 9-10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thu đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng Quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phấn đấu hình thành 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án có sử dụng nhiều năng lượng điện nhằm tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, quỹ đất và hạ tầng giao thông.
Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300 MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững. Sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, tài nguyên đất, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối cao với lưới điện khu vực, quốc gia; chất lượng nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ và năng lực quản lý đạt trình độ tiên tiến. Tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai ba giải pháp về tăng cường lưới điện, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực, tài chính để thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Nhóm giải pháp thứ nhất là tăng cường hạ tầng lưới điện và phát triển phụ tải, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển hạ tầng lưới điện kết nối khu vực nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện.
Tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thuộc EVN có kế hoạch, lộ trình, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình truyền tải điện phù hợp Quy hoạch được phê duyệt đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện để đạt được hiệu quả đầu tư chung của lưới điện khu vực, quốc gia.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải, phân phối phải gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, đảm bảo chất lượng điện, độ tin cậy cung cấp điện ngày một nâng cao và phù hợp với quy hoạch tổng thể về năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, định hướng và hướng dẫn các nhà đầu tư trong vấn đề dùng chung hạ tầng truyền tải điện đảm bảo mỹ quan, tiết kiệm đất đai, chi phí đầu tư. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện xã hội hóa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo theo quy hoạch các trạm và đường dây điện 500kV, 220kV và 110 kV, đường dây trung thế, kết nối với các nguồn điện trong tỉnh, phục vụ cho việc giải toả công suất nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, LNG. Địa phương cũng sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thủy điện tích năng Bác Ái (1.200MW), kêu gọi đầu tư dự án thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200MW) góp phần lưu trữ năng lượng điện quy mô lớn và thời gian dài, tối ưu hoá nguồn năng lượng dư thừa.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2022, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút 51 dự án đầu tư năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với tổng cộng suất 3.262 MW (có 16 dự án điện gió/850 MW và 35 dự án điện mặt trời/2.412 MW); tổng vốn đăng ký 84.176 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành 46 dự án/3.078 MW (trong đó có 35 dự án điện mặt trời/2.412 MW và 11 dự án điện gió/606 MW).
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh triển khai các giải pháp về cơ chế, chính sách. Theo đó, địa phương này sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách; nhất là kiến nghị hình thành và phát triển Trung tâm năng lượng tỉnh Ninh Thuận. Cùng với đó, kiến nghị xem xét sửa đổi Luật điện lực để có cơ chế phù hợp khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải. Đề nghị xây dựng Luật năng lượng tái tạo để đảm bảo những nền tảng pháp lý quan trọng trong phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo một cách bền vững, đồng thời tiếp tục tạo dựng môi trường công khai, minh bạch để phục vụ cho thị trường điện cạnh tranh.
Tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hoặc chỉ đạo ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án điện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cơ chế đầu tư và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện truyền tải, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà máy điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện; sớm hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm yêu cầu an ninh năng lượng; chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà,...
Ngoài ra, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực tài chính cũng được nhấn mạnh. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ thu hút nguồn nhân lực, vận động chuyên gia có trình độ cao về làm việc, nghiên cứu biện pháp tăng cường đãi ngộ cho người lao động. Nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng phù hợp. UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, quy mô công suất tích lũy các nguồn điện đạt khoảng 6.500 MW, tương ứng khoảng hơn 3.000 lao động. Đến năm 2030, quy mô công suất tích lũy đạt khoảng 11.800 MW tương ứng với gần 5.000 lao động.
Minh Hải
Bình luận