Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ tư, 13/11/2024 06:11
TMO - Quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay, bên cạnh những chuyển biến tích cực, thì vẫn đang còn những tồn tại bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ triệt để, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh tại tỉnh quảng Nam.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam, địa phương này có nguồn tài nguyên phong phú cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có một số loại đã và đang được khai thác sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Quảng Nam có gần 45 loại khoáng sản với hàng trăm điểm mỏ. Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Quảng Nam có khoảng 59 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Hoạt động khai thác ngày càng được kiểm soát chặt chẽ đã góp phần đáp ứng, giải quyết nhu cầu nguyên nhiên vật liệu cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. Mặc dù có những hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất cập chưa được giải quyết triệt để.
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật. Trong đó, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là khai thác cát sỏi lòng sông kê khai không đầy đủ sản lượng khai thác; giá bán thực tế không đúng với giá niêm yết, giá thể hiện trên hóa đơn... để trốn thuế. Một số mỏ khoáng sản hết hạn cấp phép nhưng doanh nghiệp cố tình chây ỳ, né tránh, không chấp hành quy định về đóng cửa mỏ.
Trong khi đó, công tác phê duyệt, thực hiện đề án đóng cửa mỏ còn chậm, dẫn đến việc quản lý ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản là rất lớn. Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn một số huyện trung du, miền núi như Phú Ninh và Phước Sơn, mặc dù các ngành chức năng và chính quyền địa phương liên tục tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn còn tái diễn.
Lực lượng chức năng huyện Phước Sơn (Quảng Nam) kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép. (Ảnh minh hoạ: TC).
Việc kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thông qua hệ thống trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ còn một số bất cập. Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, công tác triển khai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại một số địa phương còn chậm, dẫn đến chưa cung ứng kịp thời nguồn vật liệu như cát, sỏi, đất san lấp.
Bên cạnh đó, có doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, gây khó khăn cho việc tổ chức lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực khai thác khoáng sản, làm kéo dài thời gian đưa mỏ khoáng sản vào khai thác.
Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, một số nội dung quy định pháp luật về khoáng sản hiện nay còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau trong các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, ngay từ năm 2017 đến 2023, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản. Qua đó, đã ban hành 88 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắcphục hậu quả đối với 68 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm báo cáo, 66 tổ chức đã chấp hành nộp phạt với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 94%. Một số dự án khai thác khoáng sản vướng quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (rừng sản xuất) nên chậm được cấp chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản; có dự án khai thác khoáng sản đã được cấp giấy phép nhưng gặp khó khăn, vướng mắc về thỏa thuận đất đai với người sử dụng đất hoặc người dân phản đối, cản trở, không cho khai thác do lo ngại ảnh hưởng môi trường... nên chậm đưa mỏ vào khai thác. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như giải quyết dứt điểm các vấn đề đang tồn tại vướng mắc, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã tích cực góp ý vào Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản phù hợp với thực trạng quản lý khoáng sản trong thời điểm hiện nay...
Cụ thể, kiến nghị xem xét, quy định theo hướng gọn nhẹ đối với việc khoanh định và các hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đất san lấp, cát, sỏi) ở quy mô nhỏ (sản lượng khai thác không quá 5.000 m3, thời gian khai thác không quá 1 năm) để kịp thời cung cấp nguyên vật liệu thi công các công trình giao thông nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi. Bên cạnh đó, kịp thời rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý khoáng sản đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đặc biệt giữa Luật Địa chất và khoáng sản với Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu giá tài sản, các Luật liên quan đến thuế và quản lý thuế...Trong đó, quy định chặt chẽ về năng lực, nâng mức đặt cọc (theo tỷ lệ phần trăm đối với từng bước giá) khi doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời tăng mức ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường, quy định cụ thể chế tài xử lý đối với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không thực hiện quy trình đóng cửa mỏ theo quy định. UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sớm tổ chức đấu thầu, cấp phép, đưa vào khai thác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng chuyển đổi số, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực khoáng sản như cấp phép, quản lý…
Theo đánh giá, từ năm 2021 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày càng được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng. Các lực lượng chức năng liên tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My.
Giai đoạn tiếp theo, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tăng cường quản lý khai thác khoáng sản hiệu quả hơn, làm mạnh việc thanh tra kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Trong đó, chú trọng điều tra xử lý vi phạm ở một số nơi để tăng hiệu quả quản lý và có phương án giải quyết triệt để các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó bảo vệ bền vững nguồn khoáng sản tự nhiên trên địa bàn.
Văn Chiến
Bình luận