Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 19/10/2023 14:10
TMO - Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí xử lý mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, cộng đồng trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường tại các địa phương.
Cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương là sự gia tăng lượng lớn chất thải rắn cần xử lý. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa được xác định là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại các địa phương chưa được phân loại tại hộ gia đình. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm chi phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế và tái sử dụng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là việc làm bắt buộc để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hướng tới mục tiêu đem lại môi trường sống trong lành, phát triển bền vững. Trước yêu cầu từ việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn, các địa phương đã tích cực triển khai các mô hình, chương trình cụ thể.
Lào Cai là một trong những địa phương trên cả nước triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ rất sớm (từ giai đoạn 2015 - 2020), trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực. Giai đoạn 2020 - 2025, Lào Cai có kế hoạch tiếp tục nhân rộng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Năm 2016 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thí điểm trên địa bàn 3 địa phương: Thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Sau giai đoạn thử nghiệm đề án được mở rộng đến các địa phương trong tỉnh. Việc thực hiện đề án thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Lào Cai trong công tác bảo vệ môi trường.
Sau 5 năm thực hiện, đề án đã đạt kết quả quan trọng. Năm 2016, tỷ lệ trung bình người dân phân loại rác tại 3 địa phương trên đạt khoảng 50% và chất lượng phân loại rác đạt khoảng 37%. Đến năm 2020, tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại rác đạt 87%, chất lượng phân loại đạt 78%; tỷ lệ rác vô cơ lẫn rác hữu cơ giảm, còn 25%.
Các mô hình phân loại rác tại nguồn được các địa phương đẩy mạnh triển khai sâu rộng đến từng địa bàn, khu vực.
Năm 2022, tại thành phố Lào Cai, việc thu gom và xử lý rác thải đạt 87%, trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trong 10 phường đạt 97%, 5 xã đạt khoảng 60%; hiện còn 2 xã chưa thực hiện thu gom là Tả Phời và Hợp Thành, chủ yếu người dân xử lý bằng lò đốt rác tại gia đình. Từ tháng 12/2022 đến nay, đơn vị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Lào Cai đã thực hiện thí điểm mô hình nâng cao chất lượng phân loại rác tại nguồn tại 5 phường/9 tuyến thu gom. Kết quả thí điểm cho thấy, các tuyến thu gom này được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên thì tỷ lệ và chất lượng phân loại đạt cao (trên 90%), hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình (hiện chỉ khoảng 80%).
Tại thị xã Sa Pa, đơn vị thu gom, vận chuyển trung bình khoảng 28 tấn rác/ngày, trong đó rác hữu cơ đưa về Nhà máy xử lý rác thải thành phố trung bình khoảng 8 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt trên 90%. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị xã có chiều hướng giảm, chất lượng, tỷ lệ phân loại rác hiện mới đạt 65 - 70%. Tại huyện Bát Xát, với những địa điểm thu gom, vận chuyển kịp thời rác thải, không để rác tồn đọng trong ngày thì tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt trên 80%.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau hơn 1 năm xây dựng Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai việc phân loại chất thải đến các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Tháng 8/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Việc phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề môi trường do chất thải rắn gây ra. Cụ thể, phân loại các thành phần trong CTRSH thành những phần riêng biệt, có thể tái chế, tái sử dụng, thu gom được các loại chất thải nguy hại có lẫn trong CTRSH; thực hiện thu phí xử lý và bán nguyên liệu tái chế, cân bằng thu chi trong quản lý CTRSH, giảm bớt khối lượng chất CTRSH phải chôn lấp ở các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng phương pháp đốt, góp phần giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính trong quá trình xử lý chất thải.
Trên địa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu việc triển khai các chương trình phân loại rác thải tại nguồn được các địa phương đẩy mạnh thực hiện.
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch riêng, sẵn sàng thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.Tại huyện Châu Đức, mỗi ngày huyện phát sinh khoảng 91 tấn CTRSH, tương ứng với 33.215 tấn/năm. Trong đó, khối lượng rác sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 78 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,71%. Qua rà soát, tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Châu Đức hiện nay là 25%.
Mỗi ngày thành phố Vũng Tàu phát sinh khoảng 400 tấn rác, toàn bộ lượng rác này tập trung tại TX Tóc Tiên để chôn lấp nhưng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Sau khi Luật Môi trường 2020 có hiệu lực, thành phố Vũng Tàu cũng bắt đầu triển khai thí điểm với 500 hộ dân tại thôn 1, xã Long Sơn trong khi chờ hoàn thiện lộ trình thực hiện đồng bộ. Hiện xã Long Sơn cũng đã triển khai ký cam kết cho hơn 3.000 hộ dân trên toàn xã tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn. Từ những kết quả đạt được tại địa phương này, thành phố Vũng Tàu dự kiến sẽ triển khai phân loại rác trên toàn địa bàn vào năm 2025.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trong đó quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định số 948/QĐ/BTNMT năm 2023 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong đó có thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại nguồn, chất thải rắn sinh hoạt đặc thù (trên sông, kênh, rạch, mặt biển, bãi biển; chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh;…); xử lý bằng công nghệ đốt, đốt có thu hồi năng lượng là các định mức mới nên cần phải đánh giá cẩn trọng, khách quan để đảm bảo tính đại diện cao và phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo đó, Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt nêu rõ nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn giúp UBND các tỉnh căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý tại địa phương, đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành.
Theo điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng là giấy các loại (tạp chí, báo, giấy, sách vở cũ, thùng, bìa carton, hộp giấy carton, bì thư, hóa đơn, giấy vụn khác), nhựa các loại (chai, bình, ống, can, thùng, hộp, khay đựng, các vật dụng bằng nhựa có ký hiệu PET, HDPEP, LDPE, PP, …), kim loại các loại (vỏ lon nhôm, sắt, các vật dụng bằng kim loại khác như nồi, chảo, ấm, đinh, vít, sắt, thép vụn...).
Chất thải thực phẩm từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, bã trà, bã cà phê… và các loại cây, cỏ, hoa lá, xác động vật nhỏ từ sân vườn…. không được thải bỏ chung với rác sinh hoạt. Đối với rác có kích thước lớn (xà bần, gỗ, tủ, bàn…), hộ gia đình, chủ nguồn thải cần liên hệ, thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển có chức năng để chuyển giao, vận chuyển.
Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác bao gồm tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt không có chứa yếu tố độc hại và không thuộc nhóm chất thải tái chế hoặc chất thải thực phẩm(tã trẻ em, băng vệ sinh, vỏ bao bì, bánh kẹo, giấy bạc, dây da, dây điện, đồ sành, sứ, gốm vỡ, túi nilon, giấy ăn đã sử dụng, vải sợi rách, quần áo cũ, khăn cũ, găng tay cao su, đầu lọc thuốc lá, tóc, đất, cát, dao, lưỡi lam, kéo, vỏ sò, ốc, trấu thải, tro than…). Ngoài ra, chất thải nguy hại cũng cần được phân loại để xử lý nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường (bóng đèn, pin, ắc quy, bình xịt côn trùng, bình đựng hóa chất, thiết bị điện tử gia dụng, nhiệt kế, vỏ bình ga mini…
Thùy Ngân
Bình luận