Hotline: 0941068156
Thứ ba, 28/01/2025 11:01
Thứ hai, 01/05/2023 14:05
TMO - PGS. TSKH, Nhà giáo Nhân dân Trần Công Khánh cho biết: Các cộng đồng dân tộc đã tập hợp những hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm trong sử dụng dược liệu vào chữa bệnh cho con người và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua quá trình đó đã hình thành nên tri thức bản địa về Y học cổ truyền của từng cộng đồng đã tổng kết việc dùng dược liệu chữa bệnh thành những bài thuốc gia truyền của Việt Nam....
PGS. TSKH Trần Công Khánh cho biết: “Cây thuốc ở nước ta rất đa dạng và có nhiều công dụng lắm. Đến nay các nhà khoa học chưa khám phá hết các loài cây con có tác dụng chữa bệnh. Trên Thế giới, có hai trường phái phòng bệnh và chữa bệnh cho người dân, đó là Tây y và Đông y. Đông y có tính ưu việt, bởi đề ra triết lý đúng đắn là “nhân thuật”. Đối tượng chính của Đông y không phải là “bệnh” mà là “con người”.
Con người trong Đông y cùng với môi trường, vũ trụ hợp thành một chỉnh thể thống nhất, người xưa gọi đó là “Thiên nhân hợp nhất”. Bản thân con người cũng là một chỉnh thể thống nhất, nên tinh thần và thể xác hợp nhất với nhau, người xưa gọi là “Hình thần hợp nhất”.
Phương pháp điều trị của Đông y gồm có: châm cứu, các thuốc uống hoặc dùng ngoài da và xoa bóp, bấm huyệt. Trong đó, thuốc uống giữ vai trò quan trọng trong phương pháp điều trị của Đông y. Phương pháp dùng thuốc uống được Đông y sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh cho người dân. Con người đã phát hiện, bảo vệ, trồng trọt, thu hái cây thuốc, biết cách sử dụng, sao tấm và sắc thuốc, uống thuốc. Quy trình của phương pháp dùng thuốc không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành, lưu truyền từ đời này qua đời khác, người ta gọi đó là tri thức bản địa.
Loại tri thức Y học dân gian này đã góp phần quan trọng trong việc hình thành, hoàn thiện và phát triển phương pháp dùng thuốc của Đông y. Tri thức bản địa đối với phương pháp dùng thuốc của Đông y được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường thiên nhiên và xã hội. Các cộng đồng dân tộc đã tập hợp những hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm trong sử dụng dược liệu vào chữa bệnh cho con người và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua quá trình đó đã hình thành nên tri thức bản địa về Y học cổ truyền của từng cộng đồng đã tổng kết việc dùng dược liệu chữa bệnh thành những bài thuốc gia truyền của Việt Nam. Những bài thuốc này được sưu tầm, tập hợp, ghi chép thành sách lưu truyền lại cho đời sau...
PGS. TSKH Trần Công Khánh đi khảo sát cây thuốc (Ảnh do nhân vật cung cấp).
PGS. TSKH Trần Công Khánh chia sẻ: Dân tộc Việt Nam vốn yêu và gắn bó mật thiết với môi trường thiên nhiên. Trong quá trình lao động để sinh tồn và phát triển, người dân đã biết dùng các loài sinh vật bào chế thành những bài thuốc gia truyền để phòng bệnh và chữa thành những bài thuốc gia truyền để phòng bệnh và chữa bệnh. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sinh sống trên 8 vùng sinh thái: Tây Bắc, Đông Bắc, ĐBSH, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Mỗi dân tộc trên một vùng sinh thái đã tìm tòi phát hiện, bảo tồn, trồng trọt, thu hái, sao tẩm cây thuốc, nên các bài thuốc Đông y gia truyền của nước ta ngày càng phong phú và đa dạng. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây thuốc, nhưng trải qua thời gian dài khai thác và không chú trọng bảo vệ nguồn gen, nên nguồn dược liệu đã và đang bị cạn kiệt. Hiện 144 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần được bảo tồn khẩn cấp. Từ năm 1988, Viện Dược liệu được giao nhiệm vụ đầu mối trong việc bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc ở Việt Nam. Từ đó đến nay đã bảo tồn và lưu giữ được gần 1.000 cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau và hiện đang bảo tồn khoảng 1.531 nguồn gen.
PGS. TSKH Trần Công Khánh (2/8/1936) quê quán ở thôn Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Những năm còn ở tuổi niên thiếu ông phải cùng gia đình chạy giặc Pháp đi càn. Cuối năm 1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, PGS Trần Công Khánh học hết phổ thông, thi đỗ vào học Trường Đại học Y Dược Hà Nội từ năm 1955-1959. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc nên ông được giữ lại làm giảng viên của trường. Từ năm 1960-2001, PGS Trần Công Khánh liên tục làm giảng viên, rồi giảng viên chính, giảng viên cao cấp và Phó Trưởng phòng Giáo vụ - Khoa học của trường.
Trong thời gian này, ông được Trường Đại học Dược Hà Nội cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học tổng hợp Humboldt ở Berlin, Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1971 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và sau đó, năm 1983 trở lại Trường này làm nghiên cứu sinh cao cấp, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học (1985). Khi làm nghiên cứu sinh cao cấp tại Cộng hòa dân chủ Đức, PGS Trần Công Khánh đã thực hiện đề tài “Góp phần nghiên cứu đặc điểm cấu tạo của chi Strychnos L (họ Loganiaceae) trong hệ thực vật Việt Nam và sử dụng các loài bản địa trong y học”. Năm 1985 trở về nước, ông tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Dược Hà Nội.
Từ năm 2002 đến nay, PGS Trần Công Khánh tham gia giảng dạy, đào tạo cao học và nghiên cứu sinh của trường. Từ năm 1993 đến nay cùng với việc giảng dạy, PGS Trần Công Khánh làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền. PGS Trần Công Khánh cho biết: “Lĩnh vực hoạt động khoa học của ông là tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa về Y học cổ truyền của các dân tộc Việt Nam”. Từ khi nghỉ hưu, PGS Trần Công Khánh dành nhiều thời gian nghiên cứu cây thuốc ở các địa phương, điều tra tài nguyên cây thuốc, xác định tên khoa học của cây thuốc và hướng dẫn cho các cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương về bảo tồn, sử dụng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên thực vật có ích để sử dụng lâu dài. Hướng dẫn cách nhân giống cây, lập vườn ươm, trồng và chăm sóc cây thuốc.
PGS. TSKH Trần Công Khánh (bên trái) và kỹ sư lâm học Lê Huy Cường đi khảo sát rừng (ảnh do nhân vật cung cấp).
Trong những năm tháng làm nghiên cứu và giảng dạy, PGS Trần Công Khánh đã phát hiện và mô tả 3 loài mới khoa học là Dicentra ventii T.C. KHANH (1971), Strychnos daclacensis T.C. KHANH và Strchhnos sonlaensis T.C. KHANH (1985). Một nhà khoa học nước Anh đã xin phép được lấy tên T.C. Khánh để đặt tên cho một loài Đỗ quyên mới ở Việt Nam là Rhododendron trancongii ARGENT&RUSHFORTH (2010).
PGS. TSKH Trần Công Khánh đã làm chủ nhiệm hoặc tham gia chính nghiên cứu 11 đề tài khoa học, trong đó có đề tài: “Nghiên cứu xác định nguồn nguyên liệu chiết xuất brucxin từ nguồn dược liệu trong nước, năm 1979-1980”, “Bexulin – Thuốc chữa bệnh phân trắng ở lợn con, năm 1985-1986”, “Nghiên cứu bảo vệ và tái sinh 2 cây thuốc đặc sản sa nhân, vàng đắng và tạo ra nguồn nguyên liệu chiết berberin ở Việt Nam, năm 1992-1994” và nhiều dự án về tài nguyên cây thuốc của các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Ông đã viết hoặc đồng chủ biên 15 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn sách chuyên khảo về cây thuốc như: “Những cây thuốc bổ thường dùng”; “Giáo trình Thực vật Dược – Phân loại thực vật”; “Cây độc ở Việt Nam”.... Đặc biệt, PGS Trần Công Khánh tham gia biên soạn 3 cuốn sách về cây thuốc với nước ngoài, ông đã viết trên 400 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Do có nhiều công lao trong giảng dạy và nghiên cứu, PGS. TSKH Trần Công Khánh được Đảng, Nhà nước và các ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba (1985), Huy chương “Vì sức khỏe nhân dân” (1992), 2 Huy chương “Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ” (1998 và 2000), Nhà giáo ưu tú (1997), Giải thưởng môi trường và Bằng khen của Bộ Khoa học – Công nghệ - Môi trường (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ Giải thưởng sách hay Việt Nam: Giải đồng (2011), được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1997) và Nhà giáo Nhân dân (2012).
Theo nhận định của Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, PGS. TSKH, Nhà giáo Nhân dân Trần Công Khánh như một con tằm thường xuyên, liên tục nhả ra những sợi tơ – kiến thức vàng óng cho đời. Ngày nay, những đề tài nghiên cứu cứu, những cuốn sách in, những bài báo đã công bố, bài giảng, bài thuốc dân gian, những tri thức Y học bản địa do PGS Trần Công Khánh dày công sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết không còn là kiến thức riêng của ông, mà nó đã trở thành kiến thức chung của xã hội.
HD (ghi)
Bình luận