Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Chủ nhật, 01/12/2024 13:12
Trong không gian yên bình bên chân cầu Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), nghệ nhân Võ Tấn Tân - người sáng lập Taboo Bamboo đã biến những thân tre đơn sơ thành các tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa và thông điệp bảo vệ môi trường.
Khởi nguồn từ tình yêu thiên nhiên
Sinh ra và lớn lên ở Hội An, Tân từ nhỏ đã gắn bó với những rặng tre, hàng dừa nước xanh mướt. Gia đình làm nghề truyền thống nên từ nhỏ Tân đã sớm tập tành làm các vật dụng từ tre, dừa. Chính những kỷ niệm tuổi thơ ấy đã trở thành nguồn cảm hứng, thôi thúc Tân khám phá tiềm năng của tre, một loại vật liệu truyền thống của người Việt.
Trong không gian thoáng mát nằm dưới rặng tre xanh của xưởng Taboo Bamboo, người đàn ông có vẻ ngoài lãng tử, tuổi trạc tứ tuần kể: “Tôi học và tốt nghiệp đại học ngành Điện tử viễn thông, có thời gian làm kỹ sư gần 10 năm. Tuy nhiên, do muốn thử sức với lĩnh vực mới và chính thức “bén duyên” với tre. Về với làng nghề, đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì năm 2009, Hội An cấm xe máy vào phố cổ, tôi đã nảy ra ý tưởng làm xe đạp tre và sau đó phát triển thêm xe điện tre, những sản phẩm vừa bảo vệ môi trường vừa giữ gìn nghề tre truyền thống. Từ những chiếc xe làm bằng chất liệu tre mà mọi người biết đến tôi. Du khách nước ngoài đến xưởng xem và các đơn hàng của các công ty từ châu Âu, châu Mỹ cũng ào ạt đến với Taboo Bamboo…”.
Anh Võ Tấn Tân đang chế tác một sản phẩm từ tre. Ảnh: NVCC
Không dừng lại và chọn những con đường quen thuộc khi khởi nghiệp từ tre, anh Tân tiếp tục chế tạo những món đồ lưu niệm nhỏ gọn, xinh xắn, đồ thủ công mỹ nghệ, vật dụng gia đình bằng tre để bán cho khách tham quan Taboo Bamboo.
Năm 2020, dịch COVID-19 ập đến, ngành du lịch Hội An khánh kiệt vì không có khách. Xưởng Taboo Bamboo tạm đóng cửa. Trong thời gian rảnh rỗi, anh Tân và các cộng sự nảy ra ý tưởng làm các mô hình con vật khổng lồ từ tre. Kiên trì, mày mò nghiên cứu và đôi khi phải tự mình phá bỏ những sản phẩm lỗi, anh Tân đã tìm được bí quyết chế tác các mô hình động vật sao cho sống động và chân thật đến từng chi tiết nhỏ.
Các sản phẩm độc đáo do anh Tân và các cộng sự chế tác luôn thu hút khách hàng. Ảnh: NVCC
Những con vật thân thuộc như: ong, tôm, cua, cá, bọ ngựa,… được anh phóng đại kích thước gấp 1.000 lần, khiến nhiều người kinh ngạc vì độ tinh xảo. Những sản phẩm này bất ngờ thu hút người xem và được nhiều khu du lịch, khách sạn trong và ngoài nước liên hệ đặt hàng. Theo anh Tân, tuỳ vào kích thước mô hình con vật sẽ có giá dao động trên dưới 100 triệu đồng/sản phẩm.
Anh Trương Nguyên Ngã, khách du lịch Hà Nội khi tham quan trải nghiệm tại Taboo Bamboo đưa mắt ngắm nhìn các sản phẩm tre được trưng bày ở đây và thốt lên: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa từng thấy ai biến tre thành những sản phẩm sống động và tinh tế đến như vậy. Vật liệu tre tự nhiên đã được các nghệ nhân “thổi hồn” và nâng tầm thành những tác phẩm nghệ thuật mang tính ứng dụng cao, phù hợp với thị hiếu người dùng. Các sản phẩm nơi đây không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn giúp người xem nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”.
Khách du lịch nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại Taboo Bamboo. Ảnh: NVCC
Kể những câu chuyện xanh bằng sản phẩm tre
Dù là ông chủ của xưởng sản xuất nhỏ nhưng dường như anh Tân chọn cho mình lối sống theo triết lý “kinh tế vừa đủ” - hướng tới con người và môi trường chứ không khai thác tối đa lợi nhuận. Anh từ chối hầu hết các cơ hội đầu tư, từ chối cả các đơn hàng lớn trong nước hoặc xuất khẩu nếu đối tác bắt buộc phải sản xuất theo mô hình công nghiệp. Người đàn ông này chia sẻ, nếu làm công nghiệp là phá vỡ các đặc tính diệu kỳ của tre, làm tiêu tốn nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu. Ngoài ra nếu mở rộng sản xuất phải tăng nhân công, người lao động sẽ thiếu không gian sáng tạo, sản phẩm không đa dạng. Diện tích nhà xưởng mở rộng, tăng nguyên vật liệu đầu vào, như thế vô hình chung sẽ dùng máy móc, hoá chất để tối ưu hoá chi phí sản xuất. Khi làm thủ công, cây tre sẽ được tận dụng triệt để, không có một mẫu thừa. Từ gốc đến ngọn, từ những nan tre nhỏ đều có thể cho ra các sản phẩm tốt nếu người thợ biết tận dụng và sáng tạo. “Đối với mình, nếu sản xuất công nghiệp như vậy thì sản phẩm làm sao được gọi là thân thiện môi trường, du khách nước ngoài họ đâu còn tìm đến mình?” – anh Tân nói.
Du khách nước ngoài dưới sự hướng dẫn của anh Tân có thể tự làm một đồ lưu niệm bằng tre. Ảnh: NVCC
Ông chủ Taboo Bamboo dẫn chứng thêm: “Để cho ra một sản phẩm tốt, tre phải được chọn lựa kỹ, ngâm dưới bùn khoảng 6 tháng, vớt lên phơi nắng thật khô để giữ được độ trắng tự nhiên của tre, nguyên liệu không bị sẫm màu, thâm đen, sau đó mới mới đem ra chế tác. Trong khi sản xuất công nghiệp họ chỉ cần xử lý tre với hoá chất, hấp, sấy trong thời gian ngắn thì có thể bắt đầu sản xuất”.
Một hướng đi bền vững
Đến thăm xưởng tre của anh Tân, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật mà còn được tham gia vào quá trình sản xuất, tự tay làm ra những sản phẩm độc đáo. Xưởng tre chỉ có hai vợ chồng anh Tân cùng 5 người thợ hằng ngày vừa làm việc vừa tất bật đón khách tham quan, trải nghiệm. Du khách trong và ngoài nước khi đến Taboo Bamboo sẽ được anh Tân và các cộng sự kể những câu chuyện về tre, về gìn giữ đa dạng sinh học, ứng xử với thiên nhiên, môi trường,...
Anh Tân với mô hình bọ ngựa được làm từ tre. Ảnh: NVCC
Chị Maya vô cùng thú vị khi đến đây tham quan, dưới sự hướng dẫn của anh Tân chị đã tự tay làm một sản phẩm lưu niệm bằng tre để mang về quê nhà Israel. “Tôi không thích sử dụng các sản phẩm từ nhựa vì nó gây hại cho môi trường. Khi đến đây tôi được nghe kể những câu chuyện về tre, hiểu được quy trình tạo nên sản phẩm từ cây tre. Qua đây mới biết tre làm được nhiều sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Đây là một trải nghiệm thật thú vị! Mô hình du lịch này cần phát triển”- chị Maya cho hay.
Xưởng Taboo Bamboo của anh Tân cũng thường xuyên tổ chức các buổi workshop chia sẻ về công dụng của tre, các sản phẩm thủ công làm bằng tre và hướng dẫn cho học sinh làm các sản phẩm từ tre. Qua những buổi workshop, anh Tân luôn muốn truyền cảm hứng với những bạn trẻ để họ tự hào, nuôi giữ đam mê và “giữ hồn” cho những ngành nghề truyền thống trong tương lai. “Đối với nghề thủ công, nếu đam mê, phát triển đúng hướng thì nghề sẽ không bao giờ phụ mình. Chính cây tre đã giúp tôi thăng hoa, chỉ cho tôi lối đi riêng, bền vững và thân thiện với môi trường” - anh Tân đúc kết.
Chiếc xe đạp tre, “sản phẩm khởi nghiệp” của ông chủ Taboo Bamboo. Ảnh: NVCC
Hiện tại, ngoài việc duy trì thu hút du khách, xưởng Taboo Bamboo còn là nơi giúp các chủ nhà hàng, quán cà phê, khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng sử dụng tre làm vật liệu trang trí nội thất, ngoại thất. Sự kết hợp này không chỉ làm đẹp cho không gian mà còn giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Với tâm huyết và khát vọng không ngừng, Võ Tấn Tân đã trở thành người tiên phong trong việc kết nối nghệ thuật, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Những gì anh làm không chỉ là giữ gìn giá trị truyền thống mà còn mở ra một hướng đi bền vững, nơi nghệ thuật và thiên nhiên hòa quyện, tạo nên những tuyệt tác bắt nguồn từ tre./.
Nam Trân
Bình luận