Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 16/05/2024 15:05
TMO - Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong rà phá bom mìn là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tránh những tác hại gây ô nhiễm môi trường do bom mìn còn sót lại.
Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm. Cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại màu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Trước thực tế đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà phá bom mìn, mới đây tại Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn I Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu, phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện dò tìm, xử lý và xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam” (gọi tắt là Chương trình KC.BM).
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để rà phá bom mìn được đẩy mạnh triển khai. Cụ thể trong giai đoạn 1 của Chương trình KC.BM đã triển khai thực hiện 16 đề tài, tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Nhiều đề tài có nội dung khoa học mới, phức tạp, các sản phẩm chế tạo có mức độ tích hợp công nghệ rất cao như thiết bị xử lý mìn cơ động, robot chuyên dụng phục vụ hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ…Đồng thời các đơn vị nghiên cứu đã áp dụng nhiều công nghệ mới trong thiết kế chế tạo như công nghệ mô phỏng bán tự nhiên; công nghệ mã hóa nhiều lớp, truyền dẫn thông tin qua mạng vô tuyến, xây dựng bản đồ số từ những điểm đo rời rạc; công nghệ xử lý tín hiệu số…
Thông qua thực hiện Chương trình, trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu tham gia thực hiện đã được nâng cao toàn diện từ lý thuyết đến thực tiễn, có thêm nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị rà phá, xử lý bom, mìn, vật nổ.
Lực lượng công binh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn đưa bom vào vị trí hủy nổ. Ảnh: QK1
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã đánh giá cao kết quả giai đoạn 1 của Chương trình KC.BM, sự thành công của Chương trình đã khẳng định vai trò của Quân đội trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam; nhất là bước đầu làm chủ được thiết kế và chế tạo thành công một số trang thiết bị hiện đại, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong Chương trình, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phương tiện để nâng cao tốc độ, hiệu quả, chất lượng hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ; bảo đảm an toàn cho người và không gây ô nhiễm môi trường.
Để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chương trình và các công trình đang nghiên cứu; các cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu cần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để làm chủ việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến trong dò tìm, xử lý bom mìn và chất độc Dioxin. Tăng cường trao đổi, chia sẻ hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội về phạm vi của Chương trình và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.
Chương trình KC.BM được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Thuyết minh tổng quát tại Quyết định số 3305/QĐ-BQP ngày 15/8/2017. Thành phần tham gia gồm Binh chủng Công binh là đơn vị chủ trì. Có 6 đơn vị tham gia gồm có Viện Khoa học và Công nghệ quân sự/BTTM (Viện Công nghệ thông tin, Viện Ra đa, Viện Tự động hóa KTQS, Viện Điện tử, Viện Hóa học vật liệu, Viện Công nghệ mới); 04 đơn vị của Binh chủng Công binh (Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Viện Kỹ thuật Công binh và Cục Kỹ thuật); Cục Khoa học quân sự và các cán bộ nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật quân sự.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào thiết kế, chế tạo thiết bị phục vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ; xây dựng quy trình hoạt động rà phá, khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn; xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Minh Huệ
Bình luận