Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 27/12/2024 07:12
Chủ nhật, 15/12/2024 06:12
TMO - Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 ( Net Zero) là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam…
“Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” (KC.16/24-30) là một trong những chương trình quan trọng, được hành động nhanh chóng, kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong việc hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ KH&CN khẳng định, KC.16/24-30 sẽ song hành cùng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Chương trình KC.16/24-30 sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam.
Đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ KH&CN mong muốn Chương trình sẽ được thông tin rộng rãi tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước để cùng nhau nghiên cứu, phát triển, giải mã, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Từ đó, cùng chung tay để nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ cùng Ban Chủ nhiệm Chương trình Net Zero chủ động bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất trong việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia.
Ưu tiên lựa chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Net Zero nổi trội, có tính ứng dụng và thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng, áp dụng cả về chiều rộng và chiều sâu để tổ chức triển khai có kết quả ngay trong năm 2025. Đánh giá mặc dù mục tiêu của Chương trình là khá rộng, cũng như việc yêu cầu cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ mới, công nghệ xanh là một nhiệm vụ rất khó, Lãnh đạo Bộ KH&CN tin tưởng, các kết quả, giải pháp khoa học, công nghệ thiết thực sẽ được nghiên cứu, phát minh để có bước tiến rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Từ đó sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Giới thiệu các mục tiêu và những nội dung chính của Chương trình, Lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030: "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam" được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
KH&CN hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu hướng tới NetZero của Việt Nam vào năm 2050. (Ảnh minh hoạ).
Cùng với đó, giải quyết các thách thức về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ carbon thấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau; thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN về nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ liên quan đến nội dung giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…
Theo đó, Chương trình triển khai nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ mục tiêu đạt Net Zero tại Việt Nam; nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn thiết kế, xây dựng, thử nghiệm các mô hình và đề xuất các giải pháp chuyển dịch xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Cùng với đó, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp, điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu Net Zero
Đồng thời phát triển, ứng dụng các giải pháp quản lý - kỹ thuật phục vụ khai thác và tận dụng hiệu quả nguyên/nhiên liệu sản xuất; các giải pháp kỹ thuật - công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon trong các ngành, lĩnh vực. Chương trình cũng đưa ra nội dung nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho phát triển mô hình hạ tầng giao thông - vận tải - logistic bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho phát triển mô hình công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, phát thải carbon thấp và bền vững góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong thiết kế, thi công, vận hành và quản lý. Chương trình cũng đề xuất nội dung nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp.
Nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý giám sát, phân tích, báo cáo, dự báo và cảnh báo nguy cơ phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Chương trình dự kiến đưa ra một số sản phẩm trọng tâm như: Cơ sở lý luận, thực tiễn và các báo cáo, đề xuất bổ sung nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực cơ chế, chính sách, pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Các giải pháp công nghệ góp phần giảm phát thải carbon. (Ảnh minh hoạ).
Các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, các giải pháp nâng cao năng lực con người nhằm đáp ứng mục tiêu đạt mức phải thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Cùng với đó là các công nghệ, thiết bị phục vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ phát thải carbon thấp, công nghệ thu hồi, tận dụng, lưu trữ carbon, các công nghệ sản xuất theo hướng sạch hơn, tuần hoàn và thân thiện với môi trường trong các ngành, lĩnh vực, công nghệ phục vụ công tác cảnh báo, dự báo và kiểm kê khí nhà kính; công nghệ, thiết bị thu hồi và lưu giữ carbon; công nghệ, kỹ thuật, giải pháp giảm khí mê-tan.
Sản phẩm dự kiến cũng bao gồm: Cơ sở dữ liệu, phần mềm; sản phẩm liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền, giống cây trồng mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; sách chuyên khảo, công trình công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế; sản phẩm đào tạo. Mục tiêu Net Zero là một thách thức lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này vào năm 2050. Sự kết hợp giữa chính sách, khoa học công nghệ cùng hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Chương trình kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực như công nghệ về thu giữ và lưu trữ carbon; công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn; các giải pháp quản lý, kỹ thuật phục vụ mục tiêu giảm phát thải…Chương trình KH&CN Net zero là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều đối tượng và sự quyết tâm của toàn xã hội. Thực hiện thành công Chương trình không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân và bảo vệ môi trường trong tương lai.
Hoàng Quân
Bình luận