Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Chủ nhật, 20/03/2022 06:03
TMO - Nhiều năm trở lại đây, ngành gỗ là một trong những ngành luôn dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn còn tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, cần có sự liên kết mạnh mẽ để tạo nên sức mạnh đồng thuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Theo thống kê, hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp ngành gỗ, sử dụng hơn 700 nghìn lao động và hàng chục nghìn lao động tự do đang làm việc trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để ngành gỗ liên tục đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Cùng với các cơ hội và thuận lợi, ngành gỗ đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thật sự mạnh, còn tự phát, thiếu bền vững. Các doanh nghiệp hiện vẫn còn đầu tư mang tính dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thật sự mạnh
Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (nhiều nhân công, lao động rẻ) không còn chiếm ưu thế như trước. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao đã và đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn ngành.
Vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ dân, giữa các công ty lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến gỗ, giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với quỹ đầu tư quốc tế... hiện còn nhiều vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện có nhiều công ty chế biến trong ngành gỗ có nhu cầu về nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng bảo đảm chất lượng. Các doanh nghiệp này có nhiều thế mạnh trong việc thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, như có nguồn lực về tài chính đầu tư vào trồng rừng với chu kỳ dài tạo gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; có kỹ năng và trình độ quản lý và khoa học...
Việc hình thành và mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp là hướng đi đột phá trong việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là gỗ lớn có chứng chỉ. Cho đến nay, diện tích liên kết được cấp chứng chỉ vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do chi phí quá lớn đối với doanh nghiệp và tâm lý lo sợ người dân phá vỡ hợp đồng khi tham gia liên kết.
Tăng cường liên kết giữa các đơn vị để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến
Hiện, trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 70% gỗ nguyên liệu cho nên mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ để chế biến sản phẩm gỗ phục vụ sản xuất và chế biến. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và cước vận chuyển tăng nhanh thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng cao đang trở nên cấp thiết và đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ.
Liên kết chuỗi, đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ trồng rừng, giữa doanh nghiệp chế biến và công ty lâm nghiệp và giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức đầu tư chất lượng cao, theo chuỗi sản xuất có tiềm năng trong việc tạo các bước phát triển đột phá trong ngành chế biến nói riêng và ngành lâm nghiệp nói chung. Các chính sách về đất đai, liên kết hợp tác kinh doanh trong ngành gỗ cần thay đổi, theo hướng tạo môi trường thúc đẩy hình thành liên kết, cởi trói và giải phóng tiềm năng về đất đai thông qua các mô hình liên kết.
Siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển. Cần đa dạng hóa các loài cây lấy gỗ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại sản phẩm.
Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành sản xuất, chế biến gỗ giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả nguồn gỗ rủi ro, giúp nâng hình ảnh và vị thế ngành gỗ Việt trên trường quốc tế. Các giải pháp này cũng trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai.
Khánh Nam
Bình luận