Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ sáu, 05/04/2024 08:04
TMO - Việc thực hiện tốt trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và giúp các quốc gia trong đó có Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững.
Vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sống của người dân luôn được đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách. Ngày 1/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, các bộ, ban, ngành đã và đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng lộ trình, quy định để đưa mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn sản xuất. Một trong những chính sách nổi bật là quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Ảnh: PN
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường.
EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường. Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, hướng đến kinh tế tuần hoàn.
Tại Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.
Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 04 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…).Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Việc thực hiện EPR vẫn còn nhiều thách thức cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả triển khai.
EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra sản phẩm mới thay vì được đưa đến bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới. EPR được coi là một công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất, hướng tới mục tiêu không phát thải.
Mặc dù, EPR được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải thải ra môi trường nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Đây cũng là một thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai, thực thi một cách thông suốt và hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ cơ quan chuyên môn mà cả sự đồng hành của cơ quan báo chí, truyền thông.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những thách thức trong thực hiện EPR tại Việt Nam là thiếu hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng vật liệu tái chế trong nước như nhựa tái chế chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế. nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng, tối ưu góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam nhựa tái chế đang đắt hơn nhựa nguyên sinh.
Bên cạnh đó, hiện nay doanh nghiệp đang rất quan tâm các thách thức về cơ cấu tính giá thành sản phẩm sau này trong hoạt động sản xuất có liên quan khi thực thi EPR. Chi phí này không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, rất cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với doanh nghiệp.
Trước những thách thức trên, để nâng cao trách nhiệm EPR của doanh nghiệp, nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực để hỗ trợ hoạt động thu gom được tốt hơn, với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm. Công tác quản lý chất thải cũng cần được nâng cao. Trong đó, cần thúc đẩy các thiết kế hạ tầng thu gom chất thải, tái chế, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế,. Đồng thời, nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế...
Năm 2024, các quy định về thu gom và tái chế bắt đầu có hiệu lực. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) và quy định về quản lý nguồn lực EPR. Ngoài ra, sau quá trình thực hiện EPR, cần rà soát, xem xét quy định nào chưa hiệu quả, phù hợp để cập nhật và nếu cần thì sửa đổi cập nhật từ Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Để chính sách về EPR có hiệu lực và đi vào thực tế cuộc sống, cần chuẩn bị rất nhiều. Một trong số đó là chuẩn bị về cơ sở hạ tầng bởi hạ tầng thu gom sản phẩm, vật liệu sau sử dụng vẫn còn đang rất yếu. Thêm vào đó, cần phải xem xét một lộ trình phù hợp khi các chính sách về thu gom và tái chế đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế, song song với việc nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế...
Bùi Hằng
Bình luận