Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ năm, 17/08/2023 07:08
TMO - Giảm tổn thất điện giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí cho người tiêu dùng, gián tiếp giúp giảm phát thải khí carbon trong sản xuất điện, bảo vệ môi trường.
Tổn thất điện năng (TTĐN) trên lưới điện được hiểu là lượng điện năng tiêu hao cho quá trình truyền tải và phân phối điện từ nguồn điện đến các hộ tiêu thụ điện cuối cùng. Trong đó, tổn thất kỹ thuật là tất yếu xảy ra trong quá trình truyền tải điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bao gồm các tổn thất nhiệt trên các thiết bị điện truyền tải, các đường dây, tổn thất do vầng quang,… Tổn thất phi kỹ thuật là tình trạng vi phạm trong sử dụng điện như: Lấy cắp điện dưới nhiều hình thức, do chủ quan của người quản lý khi mất pha, công tơ hỏng, sai lệch…
Việc giảm TTĐN là một vấn đề quan trọng trong ngành Điện, vì góp phần giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí nguyên liệu và môi trường cũng như độ tin cậy của hệ thống điện. Những khoản tiết kiệm này có thể được sử dụng để đầu tư vào các công trình hạ tầng mới nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy của hệ thống cũng như chất lượng của các dịch vụ điện. Việc giảm TTĐN cũng gián tiếp giúp giảm phát thải khí carbon trong sản xuất điện, bảo vệ môi trường và đồng hành cùng quốc gia trên con đường tiến tới Net zero theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm TTĐN trên hệ thống điện, chẳng hạn như các thiết bị đo lường và điểu khiển thông minh, sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác điều độ và vận hành hệ thống, giúp tăng độ ổn định của hệ thống, góp phần tăng tính hiệu quả và khả năng sử dụng tối đa các nguồn năng lượng.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổn thất điện năng đã giảm đáng kể từ 12,23% vào năm 2003 xuống còn 6,25% vào năm 2022, đưa tỷ lệ tổn thất điện của EVN sát ngưỡng kỹ thuật, ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, để tiếp tục giảm chỉ số này, ngành điện sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Trong đó, địa hình đất nước ta dài và hẹp, tài nguyên năng lượng phân bố không đồng đều với các nguồn nhiệt điện than hầu hết tập trung ở vùng Đông Bắc, nguồn điện khí chủ yếu nằm ở Đông và Tây Nam bộ, nguồn thủy điện chủ yếu phân bố ở miền núi phía Bắc và miền Trung.
Vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao giúp giảm tổn thất điện năng. Ảnh: HT.
Hệ thống lưới điện truyền tải hết sức rộng lớn (khoảng cách truyền tải điện xa nhất từ miền Bắc vào miền Nam trên 2.000km), nhằm đảm bảo truyền tải điện năng từ các nguồn điện đến các trung tâm phụ tải ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Để đáp ứng cân bằng cung cầu điện trên toàn quốc, phần lớn công suất hệ thống phải truyền tải trên các trục đường dây 500kV, 220kV liên miền, việc này làm gia tăng TTĐN.
Có thể nói, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện không đồng đều tại ba miền; cũng như nhu cầu điện năng tại ba miền không đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn tối ưu để giảm TTĐN trên lưới điện. Đối với lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, tốc độ tăng trưởng nhanh của phụ tải khiến nhiều đường dây, máy biến áp phải vận hành đầy, quá tải vào cao điểm, nhất là thời điểm nắng nóng. Đây cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu giảm TTĐN gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp lưới điện nhằm hiện đại hóa lưới điện, nâng cao năng lực cung cấp điện, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật trong đó có giảm TTĐN vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là vấn đề thu xếp vốn. Theo Quy hoạch Điện VIII, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), lũy kế 7 tháng năm 2023, điện thương phẩm đạt hơn 50 tỷ kWh, tăng 3,07% so với năm 2022 và đạt 56,04% kế hoạch EVN giao. Tiêu thụ điện tăng, nhưng đáng chú ý, tổn thất điện năng tháng 7/2023 của EVNNPC đạt 4,17%, giảm 0,03% so với tháng 7/2022. Lũy kế 7 tháng năm 2023, tỷ lệ tổn thất của EVNNPC thực hiện đạt 4,03%, giảm 0,07% so với cùng kỳ 2022.
Nhiều năm nay, lưới điện của TP.Hà Nội được nâng cấp và đồng bộ hóa nhằm bảo đảm việc cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu của cả nước. Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI) từng bước hiện đại hóa lưới điện bằng việc áp dụng tối đa các công nghệ hiện đại để tiến tới xây dựng lưới điện thông minh. Điều này cũng giúp cho tỉ lệ TTĐN trên lưới của EVNHANOI giai đoạn 2015-2021 giảm sâu qua các năm, trung bình mỗi năm giảm xấp xỉ 0,36%.
Cụ thể, nếu như năm 2015, tỉ lệ TTĐN trên lưới phân phối của đơn vị này vẫn còn ở mức 5,71% đã giảm xuống 3,55% trong năm 2021. Trong thời gian tới, EVNHANOI phấn đấu đưa tỉ lệ TTĐN đạt từ 3,35% trở xuống. Theo EVNHANOI, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của điện thương phẩm đòi hỏi yêu cầu đầu tư rất lớn về nguồn và lưới điện. Trong đó, lưới điện sẽ được đầu tư hiện đại hơn, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy và góp phần giảm TTĐN.
Thống kê của Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) cho thấy, lũy kế 7 tháng năm 2023, sản lượng điện trên địa bàn tỉnh đạt 3.064,97 tr.kWh, công suất đỉnh sử dụng điện của người dân trong đợt cao điểm nắng nóng đầu tháng 7 đạt từ 980 đến 1000 MW. Địa phương này đã tăng cường áp dụng các biện pháp giảm tổn thất điện năng, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm. Nhiều chương trình tiết kiệm điện đã được triển khai sâu rộng như: Tổ chức các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện DR; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…
Nâng cấp hệ thống lưới điện, thay thế các thiết bị điện lỗi thời, hiệu suất thấp bằng các công nghệ mới góp phần giảm tổn thất điện.
Theo Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, tổn thất điện phụ thuộc nhiều vào đặc điểm hệ thống điện và chi phí đầu tư cho hệ thống. Nếu muốn tiếp tục giảm, sẽ phải đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện và phải cân nhắc đến hiệu quả của dự án và khả năng thu hồi vốn đầu tư. Đối với vấn đề đầu tư, đây là trở ngại lớn nhất trong những năm qua trong thực hiện giảm tổn thất điện.
Năm 2023, EVN đặt mục tiêu tổn thất điện năng giảm còn 6,15%. Đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh quá nhiều khó khăn về vận hành hệ thống điện. Thực tế, tổn thất điện đã giảm thấp sát ngưỡng kỹ thuật, nên các biến động về nguồn, tải so với dự báo hay chậm tiến độ công trình đều ảnh hưởng đến kết quả giảm của đơn vị. để giảm tổn thất điện năng hiệu quả, các Tổng công ty Điện lực cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, nhất là những khu vực lưới điện đã xuống cấp, tỉ lệ tổn thất điện năng lớn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, chương trình tiết kiệm điện, góp phần nâng cao ý thức, sự tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, người dân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quảng bá, khuyến khích thay thế các thiết bị điện lỗi thời, hiệu suất thấp bằng các công nghệ mới, hiệu suất cao, nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng điện ở từng hộ gia đình…Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý triệt để hành vi phá hoại, trộm cắp điện trái phép...
Đức Dũng
Bình luận