Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ ba, 23/08/2022 11:08
TMO - Nhằm nâng cao trách nhiệm công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái UBND tỉnh Bình Định ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 4 năm thực hiện chỉ thị số 17/CT-UBND về việc tăng cường quản lý và chấn chỉnh tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương; các tổ chức được cấp phép hoạt động khoáng sản cơ bản tuân thủ quy định pháp luật, góp phần đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của một số ngành và chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, cát, sỏi lòng sông.
Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chậm triển khai, trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình khai thác, chưa thực hiện nghiêm túc thời gian khai thác và công tác bảo vệ môi trường, chậm hoàn thổ, đóng cửa mỏ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lại Giang, sông Côn (tỉnh Bình Định) vẫn chưa được xử lý triệt để
Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38 /CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp, tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương triển khai hiệu quả những nội dung:
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; rà soát và đề xuất UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản thay thế, bãi bỏ các văn bản trước đây có liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành.
Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, lựa chọn các điểm quy hoạch khoáng sản đáp ứng đủ các điều kiện để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm nâng cao giá trị khoáng sản và lựa chọn các chủ đầu tư có đủ năng lực khai thác theo quy định; Tham mưu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng, báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động khoáng sản theo quy định.
Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hằng năm do UBND cấp huyện lập, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND cấp huyện kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Đối chiếu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế với sản lượng kê khai thuế để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo đúng quy định pháp luật đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường, các dự án hết thời hạn; các dự án không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (nợ tiền ký quỹ, cấp quyền, tiền thuế các loại…) và các dự án khai thác khoáng sản không triển khai hoạt động quá 12 tháng nhưng không có lý do chính đáng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp quyết liệt xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, tùy theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của ngành, lĩnh vực có trách nhiệm quản lý tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và an ninh trật tự tại địa phương; bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp phép, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản có ích và bảo vệ môi trường.
Thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai sau khi kết thúc khai thác theo đúng quy pháp luật; Hàng năm báo cáo kết quả khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định; báo cáo sản lượng khai thác cho UBND cấp huyện nơi có hoạt động khai thác khoáng sản để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hằng tháng, kê khai sản lượng khai thác kịp thời, chính xác cho cơ quan thuế để thực hiện các khoản ngân sách; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác số liệu kế khai.
Trước nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, san lấp tăng cao UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác. Ảnh: Mỹ Bình
Công khai thông tin hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ để người dân biết và giám sát; Thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản (chế độ báo cáo, nộp tiền cấp quyền, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường…) và thực hiện nghĩa vụ đối với địa phương (bồi thường thiệt hại nếu hoạt động gây ra sự cố; sửa chữa nâng cấp hạ tầng giao thông…).
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Những năm qua, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội. Giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh Bình Định đã cấp trên 200 giấy phép khai thác khoáng sản các loại, hầu hết là các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 138 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 9 giấy phép còn hiệu lực, trong đó đá granite 3 giấy phép, titan 5 giấy phép (khai thác hạn chế), nước khoáng 1 giấy phép.
Trong những năm qua nguồn tài nguyên khoáng sản giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Bình Định. Cụ thể, khai thác đá khối làm đá ốp lát đạt khoảng 150.000m3/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nguyên liệu cho hơn 70 nhà máy chế biến đá ốp lát, tạo được thế mạnh của địa phương về ngành khai thác, chế biến đá trong khu vực và cả nước.
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá xay nghiền, cát xây dựng) đã tạo ra các sản phẩm (cát đạt khoảng 750.000m3 /năm, đá xay nghiền đạt khoảng 1 triệu m3/năm) đáp ứng nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng để thi công các công trình xây dựng tại địa phương.
Khai thác đất san lấp, mặc dù đóng góp vào giá trị công nghiệp khai khoáng không lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm khoảng 1.200.000m3/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu đất để thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tỷ trọng công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh chiếm khoảng 20% giá trị ngành công nghiệp (giai đoạn 2011-2020), chiếm khoảng 9% nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong khai thác khoáng sản hơn 10 tỷ đồng/năm để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi cho người dân nơi có mỏ khoáng sản.
Thu Hương
Bình luận