Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Chủ nhật, 26/02/2023 07:02
TMO - Cùng với việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tỉnh Thái Bình nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Thái Bình đã khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây trồng mới triển vọng, có giá trị kinh tế cao và dự kiến đưa vào sản xuất như dưa lê (Kim Bạch và Cẩm Châu), măng tây xanh, bí đá trái dài, mướp đắng xanh, đậu xanh TX05… Song song với việc đưa các giống cây trồng mới vào nghiên cứu, sản xuất, tỉnh cũng thực hiện nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trồng bản địa quý như lúa Nếp Bể (Vũ Thư), Hồng xiêm nhót (Lô Giang), rau thông muối (Thụy Hải) và Mít dai vàng (Hà Giang, Đông Hưng).
Đồng thời nhờ ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp kết hợp chất thải trong chăn nuôi để phòng trừ bệnh hại vùng rễ, góp phần nâng cao chất lượng một số cây trồng thuộc họ cà (cà chua, ớt, khoai tây) mang lại hiệu quả kinh tế cao và được người dân đón nhận.
Trong chăn nuôi, ngành chức năng tỉnh đã ứng dụng nguồn gen mới để tạo đàn bê lai cao sản (bò cái nền lai Zebu của địa phương với bò đực Wagyu và Red Angus) nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Thái Bình đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, hơn 100 con bê lai được sinh sản và nuôi dưỡng, các quy trình lai tạo, nuôi dưỡng bê lai đều được xây dựng và tập huấn một cách có hệ thống trước khi giao lại cho người dân vận hành tại huyện Quỳnh Phụ, người dân được hướng dẫn quy trình ấp nở nhân đạo trứng gà Tò thương phẩm theo hướng VietGap, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quá trình ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường nước thải chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiên phong sản xuất thành công phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng từ rác thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã góp phần hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình có cơ hội phát triển công nghiệp mới áp dụng vào đời sống, sản xuất. Điển hình như ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại địa phương; xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển; ứng dụng công nghệ thông tin tạo lập cơ sở dữ liệu trồng trọt và bảo vệ thực vật nhằm theo dõi, giám sát sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Tỉnh Thái Bình đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế.
Đề án “Phát triển KH&CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe của người dân đạt trên 60% nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đặc biệt là các chương trình lớn như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia…
Để thực hiện tốt đề án này, Sở KH&CN Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, cụ thể như: Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu cao về dinh dưỡng của người tiêu dùng, chú trọng ứng dụng khoa học trong việc sản xuất giống. Trong đó, có kế hoạch đưa ngao Thái Bình trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và có thương hiệu mạnh trên toàn quốc. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo tồn; nhân giống, tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm tiêu biểu như gà Tò, ổi Bo…
Thành lập Hội đồng nông nghiệp công nghiệp cao tỉnh Thái Bình nhằm tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong định hướng phát triển. trên nền tảng của công nghệ số, công nghiệp 4.0, xây dựng cơ chế gắn kết các vùng nông nghiệp công nghệ cao với nhau; lấy vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vũ Thư làm trung tâm để chuyển giao tiến bộ KH&CN cho các vùng nông nghiệp; tất cả các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh phải được giới thiệu trên nền tảng công nghệ số tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị của tỉnh.
Ứng dụng tiến bộ KH&CN tiên tiến để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên phục vụ hoạt động quan trắc thu thập, xử lý, quản lý các dữ liệu tài nguyên và môi trường. Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, các đô thị và khu vực nông thôn; ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, nhân rộng các mô hình xử lý nước thải y tế, công nghiệp, chế biến nông, lâm, hải sản, sinh hoạt đô thị; xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại. Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải. Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, vật liệu xây dựng mới trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trịnh Hiệp
Bình luận