Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 10/09/2024 13:09
TMO - Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với bảo hộ chỉ dẫn địa lý, góp phần gia tăng giá trị, giúp nông sản của địa phương này được quảng bá, tiêu thụ rộng rãi hơn trên thị trường.
Với tổng diện tích đạt hơn 4.900ha (chủ yếu trồng trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng) Lạng Sơn đã trở thành vùng trồng na lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, địa phương này đã tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất qua đó nâng cao chất lượng đặc sản của địa phương. Mới đây sản phẩm na của địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn”.
Theo thống kê, toàn huyện Chi Lăng hiện có trên 2.600 ha na và là địa bàn có diện tích na lớn nhất trên toàn tỉnh Lạng Sơn. Năm 2024, do điều kiện thời tiết thuận lợi, người dân chủ động chăm sóc nên na được mùa. Cụ thể, vụ na năm nay, năng suất na của huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) ước đạt 10,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 24.000 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 2023; giá bán dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/kg, tương đương với giá bán của năm 2023.
Na Lạng Sơn nói chung có đường kính quả từ 74,3 mm trở lên, chiều cao quả từ 75,02 mm trở lên, trọng lượng quả từ 268,15 g/quả trở lên, tỷ lệ phần ăn được từ 42,33% trở lên và độ Brix từ 11,2 độ trở lên. Những tính chất, chất lượng đặc thù của quả na Lạng Sơn có được là do thích nghi với điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý.
Khu vực địa lý tại tỉnh Lạng Sơn có địa hình là các thung lũng và sườn núi đá vôi, thổ nhưỡng là nhóm đất đỏ vàng và mùn vàng đỏ trên núi đá vôi, thành phần dinh dưỡng của đất bao gồm: đạm tổng số trung bình 47,87 mg/kg, lân tổng số trung bình 135,55 mg/kg, kali tổng số trung bình 0,03 mg/kg, lân dễ tiêu trung bình 130,32 mg/kg, kali dễ tiêu trung bình 0,02 mg/kg, khả năng trao đổi cation trung bình 2,56 cmol+/kg, Mg2+ trung bình 1,21 mg/kg, Na+ trung bình 0,94 mg/kg.
Giống na Lạng Sơn có tên khoa học là Annona squamosa Linn. Nguồn gốc giống được kiểm soát thông qua hồ sơ lý lịch giống. Khâu nhân giống được thực hiện tại khu vực địa lý bằng phương pháp nhân giống từ hạt. Người dân tại khu vực địa lý lựa chọn đất thuộc khu vực núi đá vôi, khả năng thoát nước tốt để canh tác loại sản phẩm đặc thù này.
Na Lạng Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hình thức đẹp và hương vị thơm ngon. (Ảnh minh hoạ).
Sau 3 năm trồng cây sẽ tiến hành thu hoạch lần đầu tiên, những năm tiếp theo, người dân tại khu vực địa lý sẽ thu hoạch theo hai vụ (vụ chính từ tháng 7 đến hết tháng 8 dương lịch, vụ gối từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch).
Na Lạng Sơn nổi tiếng trên thị trường cả nước không chỉ nhờ hình thức đẹp mà còn nhờ chất lượng đặc thù của quả. Việc chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho quả na là cơ sở quan trọng để người kinh doanh và trồng na tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, đồng thời bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của quả na. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho quả na Lạng Sơn được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Quyết định số 560/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00140 ''Lạng Sơn'' cho sản phẩm quả na, các khu vực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ bao gồm, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Bắc Thủy, xã Bằng Hữu, xã Bằng Mạc, xã Chi Lăng, xã Gia Lộc, xã Hòa Bình, xã Mai Sao, xã Nhân Lý, xã Thượng Cường, xã Vân An, xã Vạn Linh, xã Vân Thủy, xã Y Tịch thuộc huyện Chi Lăng; thị trấn Hữu Lũng, xã Cai Kinh, xã Đồng Tân, xã Đồng Tiến, xã Hồ Sơn, xã Hòa Bình, xã Hòa Lạc, xã Hòa Sơn, xã Hữu Liên, xã Minh Sơn, xã Minh Tiến, xã Nhật Tiến, xã Quyết Thắng, xã Sơn Hà, xã Tân Thành, xã Thanh Sơn, xã Vân Nham, xã Yên Bình, xã Yên Sơn, xã Yên Thịnh, xã Yên Vượng thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng nông sản của tỉnh Lạng Sơn nói chung và của quả na nói riêng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngoài sản phẩm nông sản hoa hồi, về nông sản hoa quả đặc sản còn có hồng không hạt Bảo Lâm và na dai Chi Lăng, mác mật, thạch đen… đã và đang được bảo hộ tên gọi xuất xứ và tên gọi địa lý.
Chỉ dẫn địa lý khẳng định lợi thế riêng của địa phương trong phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xem là công cụ quan trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Chỉ dẫn địa lý không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản tại thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.
Lê An
Bình luận