Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 07/11/2023 16:11
TMO - Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
Số liệu thống kê cho thấy, ước tính đến hết tháng 10 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với trị giá đạt khoảng 3,97 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 34,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo theo khu vực, 9 tháng năm 2023, thị trường khu vực châu Á chiếm 76% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 31,6%), châu Phi chiếm gần 17% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 10,8%), châu Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 1,5% và 1,6% tổng lượng gạo xuất khẩu, châu Úc có sự tăng trưởng mạnh (17,5%) so với cùng kỳ chiếm 2,41% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Trong 9 tháng của năm 2023, Philippines vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 2,5 triệu tấn, chiếm 38,1% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 0,8%; Indonesia đứng thứ hai, đạt 884,3 nghìn tấn, chiếm 13,7% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tăng đột biến gần 17 lần về lượng và kim ngạch); Trung Quốc - thị trường tăng trưởng mạnh, đạt gần 860 nghìn tấn, chiếm trên 13,4%, tăng 41,1%; Ghana đạt 503,7 nghìn tấn, chiếm 7,84%, tăng 55%; Bờ Biển Ngà đạt 392 nghìn tấn, chiếm 6,11%, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt khoảng 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 3,56 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1,5 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 545 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 487 nghìn tấn).
Trước tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp (lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường - phi basmati của Ấn Độ, Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, hiện tượng biến đổi khí hậu - El Nino), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo triển khai nhiều giải pháp về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2023.
Theo đó, trước động thái bất ngờ của Ấn Độ, Bộ Công Thương đã ngay lập tức có các văn bản đề nghị VFA và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường thóc gạo nội địa; chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đề xuất các giải pháp liên quan hoạt động xuất khẩu gạo. Nhờ việc giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nắm được thời cơ, đạt được kết quả cao trong hoạt động xuất khẩu gạo.
Cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030.
Bên cạnh đó, theo chức năng nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Hiệp hội Lương Thực Việt Nam thông tin kế hoạch sản xuất, mùa vụ, cơ cấu chủng loại để địa phương, thương nhân chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch liên kết vùng nguyên liệu sản xuất thóc, gạo hàng phục vụ xuất khẩu.
Trước đó, trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023. Đồng thời, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục đi đúng định hướng trong quý II năm 2023, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ các giải pháp về hoạt động xuất khẩu gạo nhằm thực hiện tốt các mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo đến cuối năm 2023.
Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc, mặt hàng gạo đã luôn tăng trưởng rất tốt trong những năm vừa qua, chiếm gần 1/5 tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc. Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khối lượng 834,2 nghìn tấn, trị giá 423,2 triệu USD. Tính đến hết 9 tháng của năm 2023 Trung Quốc cũng đã nhập khẩu từ Việt Nam gần 869 nghìn tấn gạo, tăng tới 41,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành Công Thương triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia về Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo Việt Nam tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc ổn định, bền vững, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đề xuất và đạt được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nông sản, lương thực, đặc biệt là doanh nghiệp gạo Trung Quốc về việc tăng cường hỗ trợ giao thương, thiết lập các kênh trao đổi thông tin, phối hợp kịp thời trong giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thúc đẩy công tác thông tin, tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu gạo đồng thời đảm bảo duy trì dự trữ lưu thông, bình ổn thị trường nội địa, kịp thời đề xuất các giải pháp và báo cáo Bộ Công Thương.
Về việc thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và duy trì mức dự trữ lưu thông phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương liên tục có các văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các chế độ báo cáo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên và thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, báo cáo kịp thời Bộ Công Thương...
Cùng với duy trì đảm bảo an ninh lương thực, dự báo trong năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Bộ Công Thương ước tính năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam. Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, theo các chuyên gia phân tích, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân của vấn đề là lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo. Theo tính toán nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc.
Năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường trên thế giới. Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới được dự báo vẫn tiếp tục tăng, nhất là những thị trường truyền thống tăng cường nhập khẩu để giải quyết tình trạng thiếu hụt.
Dự báo về năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích, thị trường Ấn Độ lệnh cấm xuất khẩu dự báo vẫn còn, nếu sản lượng dồi dào thì nước này mới có thể dừng lệnh cấm. Trong khi đó, sản lượng gạo của Ấn Độ đang giảm so với 2022, chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần nhận định các nguồn thông tin từ đối tác nhập khẩu để đưa ra “thời điểm vàng” ký hợp đồng.
Bốn đối tác mà nhập khẩu truyền thống của Việt Nam cũng như của Thái Lan thì cũng đang có kế hoạch, nhu cầu để đáp ứng nguồn thiếu hụt ở trong nước, Indonesia thì vẫn tăng cường nhập khẩu gạo còn Philippines hiện nay đang xem xét để dỡ bỏ giá trần gạo nội địa. Với nhu cầu lớn từ các thị trường nhập khẩu gạo chủ lực, vụ Đông Xuân năm 2024 sắp tới thì các doanh nghiệp cần chủ động, theo dõi sát kế hoạch, nhu cầu của các thị trường, đối tác nhập khẩu lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa tập trung vào những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, thời điểm hiện nay nhiều quốc gia đang tăng cường nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt.
Đức Minh
Bình luận