Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Thứ năm, 01/06/2023 07:06
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật...
Với báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ. Về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ủy ban KH, CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.
Ngoài ra, dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý tài nguyên nước xuyên suốt là quản lý theo lưu vực sông và có quy định về Tổ chức lưu vực sông trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhưng thiếu cụ thể. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.
Về Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước (Chương II), Ủy ban KH, CN&MT tán thành với sự cần thiết quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước; trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong cập nhật, chia sẻ thông tin về điều tra cơ bản tài nguyên nước; phân biệt hoạt động điều tra cơ bản và hoạt động kiểm kê tài nguyên nước tại Điều 12…
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), trong đó, về chức năng nguồn nước (Điều 23): Ủy ban KH, CN&MT thống nhất với việc xác định chức năng nguồn nước, phân vùng chức năng nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, cần thể hiện rõ hơn quan điểm này. Theo đó, việc bảo vệ nguồn nước phải dựa vào chức năng và phân vùng chức năng nguồn nước; thẩm quyền phân vùng chức năng nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nguồn nước để đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước; bổ sung quy định cơ chế tài chính khi cấp nước cho các mục đích sử dụng khác nhau phải tính đến lượng nước thải và chi phí để xử lý nước thải sau sử dụng nhằm bảo vệ hiệu quả nguồn nước.
Việc làm rõ những nội dung của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) góp phần thúc đẩy quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Về dòng chảy tối thiểu (Điều 25 Ủy ban KH, CN&M, đề nghị làm rõ sự tham gia của các bên có liên quan khi xác định dòng chảy tối thiểu; xem xét việc quy định dòng chảy tối thiểu đối với một số khu vực mà lượng nước về sông, suối theo mùa hoặc có thời điểm khô cạn. Đề nghị bổ sung trách nhiệm các Bộ, ngành, Tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu; cần bổ sung một khoản về căn cứ để xác định dòng chảy tối thiểu.
Về điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Chương IV) Ủy ban KH, CN&MT tán thành với sự cần thiết quy định về nội dung điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Mục 1) trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa quy trình vận hành công trình khai thác nước với kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông, kế hoạch khai thác sử dụng nước, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước nhằm phân định rõ trách nhiệm giữa các Bộ trong hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Ngoài ra, đề nghị bổ sung một khoản về căn cứ để xây dựng kịch bản, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước, trong đó lưu ý cơ sở tính toán số lượng dân cư, giới tính; hạn ngạch khai thác, sử dụng nước; quy định về dự trữ, tích trữ tài nguyên nước quốc gia; nội dung kịch bản nguồn nước; quy trình xây dựng kịch bản, phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước; sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là Tổ chức lưu vực sông; xác định trách nhiệm của cơ quan ra quyết định và giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc ra quyết định; đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trực tiếp sử dụng nguồn nước.
Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI), Ủy ban KH, CN&MT thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy; cần đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ vào các yếu tố như: mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông…
Về hiệu lực thi hành, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để xác định lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi của một số quy định, chính sách mới của dự thảo Luật và thể hiện cụ thể tại điều khoản chuyển tiếp (Điều 83); cân nhắc thời điểm luật có hiệu lực thi hành để đảm bảo tính khả thi do có nhiều chính sách mới.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác. Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.
Thành Trung
Bình luận