Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ tư, 23/04/2025 12:04
TMO - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An.
Những năm qua, nhận thấy việc trồng lúa không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, nhiều nông dân tại (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chuyển đổi sang trồng chanh không hạt. Ban đầu, do chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm nên người dân gặp không ít khó khăn. Nhờ học hỏi từ những người trồng trước và phương tiện truyền thông đại chúng, đến nay, nhiều diện tích trồng chanh không hạt của người dân đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Theo người dân địa phương, chanh không hạt là loại cây dễ trồng và chăm sóc, vốn đầu tư không quá cao. Tuy nhiên, trước khi trồng cần làm đất tơi xốp, cho vôi, phân chuồng vào hố trồng, phun thuốc xử lý vi khuẩn có trong phân chuồng. Cây chanh không hạt trồng khoảng 1,5 năm là có thể thu hoạch đợt đầu. Với khoảng 1ha trồng chanh không hạt, gia đình ông Lê Đình Phúc (xã An Thạnh) mỗi tháng thu hoạch một lần, năng suất từ 1,5-2 tấn/tháng. Tùy theo thời điểm, giá chanh dao động từ 10.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm, ông thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Chuyển đổi sang trồng chanh không hạt mang lại thu nhập ổn định hơn cho người dân. Ảnh: TN.
Thời gian qua, huyện Tân Hưng cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nhiều hộ đang canh tác cây lúa nước. Trước đó, năm 2024, huyện Tân Hưng đã chuyển đổi trên 1.000 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Giống cây được ưa chuộng là dưa hấu, dưa gang, sen, mè, rau các loại… đạt trên 124% chỉ tiêu đề ra, nhà vườn so sánh làm nhẹ nhàng và lời cao hơn trồng lúa. Nông dân vùng này ở tỉnh Long An cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả được hơn 250 ha chủ yếu là mít, xoài, dừa, sầu riêng, bưởi, hiện có hơn 100 ha đã cho thu hoạch.
Theo UBND huyện Tân Hưng năm 2025, huyện phấn đấu chuyển đổi 1. 545 ha, trong đó cây hàng năm 370ha, cây lâu năm 1.175ha tập trung những nơi phù hợp từng giống cây trồng. Từ các mô hình đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp
Là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Long An nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên những năm qua nhiều nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây ăn trái như sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Trong năm 2024, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi bền vững, tỉnh Long An đã có kế hoạch chuyển đổi hơn 5.115ha đất lúa kém hiệu quả. Trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm 3.360ha, cây lâu năm 1.735ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 20ha. UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 với diện tích 9.616ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm 7.183ha, cây lâu năm 2.349ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản gần 84ha.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích. Đặc biệt là hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước, bỏ vụ hoặc tình trạng ngập úng kéo dài.
Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi trên, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được phê duyệt.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Song song đó, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Việc lựa chọn loại cây trồng, thủy sản chuyển đổi phải bám sát nhu cầu thị trường, sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Mặt khác, phải bảo đảm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tập quán, kỹ thuật canh tác của nông dân và gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất./.
Hà Trang
Bình luận