Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 16:12
Thứ năm, 19/12/2024 06:12
TMO - Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tích cực, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong canh tác nông nghiệp. Đáng chú ý, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong gieo trồng đậu phộng (lạc) đã góp phần tiết kiệm lớn lượng nước, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đậu phộng là cây công nghiệp ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, là cây trồng chính trong nhóm cây trồng cạn nhằm phục vụ kế hoạch chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, tính đến tháng 11/2024, diện tích trồng đậu phộng toàn tỉnh Bình Định đạt 11.817 ha, đạt 106,2% kế hoạch, năng suất bình quân 40,8 tạ/ha, sản lượng đạt 48.168 tấn.
Tuy nhiên, cũng như khó khăn chung của sản xuất nông nghiệp cả nước, đầu ra cho sản phẩm đậu phộng bấp bênh, không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Do đó, việc xây dựng mô hình thâm canh đậu phộng ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước gắn liên kết chuỗi là hết sức cần thiết để giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tỉnh Bình Định thường xảy ra hạn hán, lượng mưa bình quân hằng năm rất thấp, càng ngày lượng mưa càng giảm nên nguồn nước mặt hạn chế. Mùa mưa ở Bình Định chỉ có 3 - 4 tháng, còn mùa nắng kéo dài đến 8 - 9 tháng.
Đơn cử năm 2024 trên địa bàn Bình Định ít mưa mưa, đến tháng 11 mà tổng lượng mưa trên địa bàn mới chỉ đạt 1.100mm. Do đó để sản xuất đậu phộng hiệu quả, người dân Bình Định đã đẩy mạnh ứng dụng tưới nước tiết kiệm.
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, địa phương này có kế hoạch sản xuất 8.853ha đậu phộng, diện tích sản xuất cả năm 2025 là 12.000ha. Đậu phộng ở Bình Định hầu hết trồng trên đất cát và trồng vào mùa khô nên nhu cầu về nước tưới lớn. Trong khi đó nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Trong khi thời vụ canh tác cây đậu phộng ở Bình Định tập trung vào mùa nắng nên nông dân phải khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ sản xuất.
Theo truyền thống, cứ thấy ruộng đậu phộng khô nước là nông dân bơm nước tưới tràn. Cách tưới này vừa làm phung phí tài nguyên nước, vừa khiến đậu phộng mất năng suất. Vì vậy từ rất sớm, ngành chức năng Bình Định đã thực hiện các mô hình để nhân rộng phương pháp tưới tiết kiệm cho cây đậu phộng.
Cách đây 10 năm, Bình Định đã triển khai dự án “Quản lý tổng hợp nguồn nước, đất và dinh dưỡng cho các hệ thống nông nghiệp” do Úc tài trợ. Từ đó, cây đậu phộng ở Bình Định không còn tưới tràn mà dần được chuyển sang tưới bằng béc phun.
Lãnh đạo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho biết, với biện pháp tưới bằng béc phun cho cây đậu phộng, đã tiết kiệm được 33% lượng nước so với tưới tràn trước đây, nhờ đó mỗi năm Bình Định giảm được 10,5 triệu m3 nước.
Với lượng nước tiết kiệm được, địa phương này có thể tăng thêm diện tích trồng đậu phộng khoảng 3.000ha mà không lo về nước tưới. Ngoài ra, thực hiện tưới tiết kiệm bằng béc phun năng suất đậu tăng lên 20 - 29%, lợi nhuận tăng 46% so với trước đây. Để quá trình canh tác nông nghiệp đạt hiệu quả, tỉnh Bình Định tăng cường quản lý bền vững nguồn nước. Nhận thấy việc tưới tiết kiệm mang lại lợi ích trông thấy, những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, hầu hết diện tích đậu phộng trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được tưới bằng béc tự động giúp tiết kiệm nước. (Ảnh minh hoạ).
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã không ngừng chuyển giao ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên nhiều loại cây trồng. Vụ Thu Đông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai mô hình thâm canh đậu phộng ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước gắn với liên kết chuỗi trên diện tích 5ha tại thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát). Tham gia mô hình, 14 hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí về giống và các vật tư thiết yếu, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh đậu phộng và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó người dân còn được hỗ trợ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với đơn vị thu mua. Trồng đậu phộng vụ Thu Đông là sản xuất trái vụ, vụ sản xuất chính là vụ Đông Xuân. Do đó, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định chú trọng công tác hướng dẫn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, theo dõi sát sao diễn biến sinh trưởng, phát triển của cây đậu phộng.
Các hộ dân tham gia mô hình được nâng cao trình độ nhận biết sâu bệnh hại, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPMH), không lạm dụng thuốc BVTV, qua đó giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm lượng nước tưới, giảm tồn dư hóa chất trong sản phẩm. Chia sẻ từ một số hộ dân áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho biết, với hệ thống tưới tiết kiệm theo phương pháp tưới phun mưa, ngoài tiết kiệm được nước, người dân còn tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức hơn so với trước đây.
Đậu phộng tươi được công ty thu mua với giá 14.000đ/kg nên lợi nhuận cao hơn so với các ruộng trồng đậu phộng xen với cây mì (sắn) ngoài mô hình. Quá tình sản xuất nông nghiệp cần nhiều giải pháp quản lý hiệu quả nguồn nước, đất và dinh dưỡng với nhiều đối tượng cây trồng khác nhau, nhiều vùng đất khác nhau. Có như vậy mới có thể nhân rộng phương pháp canh tác tiên tiến, nâng cao ý thức cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa quản lý bền vững nguồn nước.
Giai đoạn tới, tỉnh Bình Định sẽ ưu tiên chuyển đổi loại cây trồng phù hợp với khả năng cấp nước, điều kiện tự nhiên của địa phương; thay thế các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế kém sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích; vùng chuyển đổi được xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy hiện nay, Bình Định rất nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời tạo những vùng chuyên canh lớn, đủ điều kiện triển khai các vùng nguyên liệu cho các chuỗi liên kết, tăng lợi nhuận cho người dân. Cây đậu phộng đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào thành công trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.
Tuấn Anh
Bình luận