Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 00:07
Thứ ba, 01/07/2025 12:07
TMO - Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Thu Bồn, TP. Đà Nẵng) sẽ được lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phục hồi trên phạm vi hơn 30.875 ha.
Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, phạm vi khu vực lập nghiên cứu quy hoạch trên diện tích khoảng 30.875ha. Trong đó bao gồm: diện tích khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn và diện tích khoanh vùng bảo vệ các di tích có liên quan đến như Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn, các di chỉ khảo cổ học và phế tích Champa khác.
Quy mô quy hoạch là toàn bộ diện tích 1.158ha khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn theo Quyết định số 1272 ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm hệ thống các đền tháp, phế tích và dấu tích kiến trúc - khảo cổ học, cảnh quan núi rừng, khe suối... tạo nên giá trị đặc biệt tiêu biểu của di tích Mỹ Sơn. Ngoài ra còn có các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan như lễ hội, phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian...
Việc lập quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn; bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực nghiên cứu trên cơ sở kế thừa các mục tiêu của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020. Ngoài ra, còn phát huy giá trị di tích Khu đền tháp Mỹ Sơn tiếp tục là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ được lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phục hồi trên phạm vi hơn 30.875 ha.
Nhiệm vụ việc lập quy hoạch phải xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch. Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích... Chính phủ yêu cầu thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt (không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt dự toán, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức quy hoạch; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan. Phân công cơ quan chủ đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch đúng quy định. Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng chủ trì và phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình phê duyệt đồ án quy hoạch đúng quy định Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đối với phạm vi, ranh giới quy hoạch đề xuất...
Khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn thuộc địa bàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Thu Bồn, TP.Đà Nẵng) nằm trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những di tích còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật thế giới.
Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ, hợp tác sâu rộng với các tổ chức quốc tế và cơ quan trong nước như UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Italia), Viện ASI (Ấn Độ); Chính phủ Italia, Ấn Độ, Ba Lan; Viện Bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản văn hóa… hầu hết các công trình kiến trúc đền tháp ở Mỹ Sơn được bảo tồn, trùng tu...
Cùng với bảo tồn, việc phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn cũng đạt thành công vượt bậc với những kết quả quan trọng từ công tác đầu tư hạ tầng đến xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Nếu như 20 năm trước, mỗi năm du khách tham quan đến với Mỹ Sơn chỉ vài trăm lượt, đến nay đã đạt hơn 450.000 lượt. Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình trên 10%, đối tượng du khách ngày một mở rộng, thị trường ngày càng đa dạng. Năm 2024, khách du lịch đến Mỹ Sơn tăng trưởng trên 21%; doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ đạt trên 70 tỷ đồng.
Ngoài việc tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, củng cố các cơ sở khoa học nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa phi vật thể tại một vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa Chăm, công tác quảng bá giá trị dân gian Chăm được thường xuyên quan tâm. Địa phương đã tổ chức khai thác, xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện, lễ hội như Đêm Mỹ Sơn huyền ảo; Hành trình Di sản lần 1, 2, 3; chương trình Lễ hội mùa Xuân bên tháp cổ, Festival di sản; các sự kiện kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 25 năm được UNESCO vinh danh… tạo nên những sản phẩm du lịch và sự kiện văn hóa đặc trưng./.
Hồng Quyên
Bình luận