Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ sáu, 16/08/2024 13:08
TMO - Tỉnh Lào Cai sẽ quản lý, bảo vệ 3 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 4 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn từ đó giúp phục hồi, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản.
Lào Cai có mạng lưới sông, suối, hồ chứa tương đối nhiều, đặc biệt 02 con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy có ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của tỉnh. Trên hệ thống sông, suối, hồ chứa này, có rất nhiều loài thủy sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao (như: cá chiên, cá lăng, cá bỗng). Bên cạnh đó, còn có các bãi đẻ tự nhiên nằm trong hệ thống bãi đẻ Quốc gia (như: Ngòi Nhù, Ngòi Bo, Ngòi Đum, bãi Soi Cờ). Tất cả đều là những điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sản, bảo tồn và phát triển; phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển thủy sản, khai thác thủy sản ở các lưu vực sông, suối, hồ chứa.
Nguồn lợi thủy sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thủy vực tự nhiên ở Lào Cai tương đối phong phú. Đến nay, chưa có dự án nghiên cứu điều tra về thành phần các loài giáp xác và các loài nhuyễn thể, nhưng đã có một số đề tài nghiên cứu về khu hệ cá của hệ thống sông Hồng, sông Chảy và các thủy vực tự nhiên.
Theo kết quả nghiên cứu, hệ thống sông Hồng, sông Chảy có trên 120 loài, thuộc 10 bộ, trong đó phần lớn thuộc họ cá Chép, bộ cá Vược, bộ cá Nheo. Về tính chất của khu hệ cá, có nhiều nét độc đáo: Trong số hơn 120 loài có 07 loài là cá nhập nội vào nuôi và đã phát tán ra sông (thuộc nhóm cá Trôi Ấn Độ); 116 loài là cá nguồn gốc địa phương (cá Việt Nam), trong đó 13 loài cá quý hiếm (như: cá Chiên, cá Bỗng, cá Lăng, cá Chày đất, cá Hoa, cá Thần, cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Chày chàng, Chạch chấu, Rầm vàng, cá Sỉnh, cá Mỡ).
Một số loài cá đẻ tự nhiên trên sông thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Khu vực cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai), Ngòi Bo, Ngòi Nhù (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ tự nhiên của cá Chiên; bãi Sọi Cờ (huyện Bảo Thắng) là bãi đẻ của cá Trắm, cá Bỗng; các bờ lau sậy ven sông Hồng là bãi đẻ của cá Trôi, cá Chép... Tuy nhiên sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm gần đây không cao, do nguồn nước bị suy giảm chất lượng, các vùng nước gần khu dân cư và khu công nghiệp bị ô nhiễm; người dân làm nghề khai thác thủy sản mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch; đặc biệt còn khai thác vào mùa vụ sinh sản của cá nên giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh Lào Cai sẽ quản lý, bảo vệ 3 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 4 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Trong những năm gần đây, với mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước đã được các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm; chất lượng giống thủy sản đã đáp ứng được các yêu cầu sản xuất hàng hóa. Sản lượng thủy sản nhờ đó tăng nhiều lần so với những năm trước.
Thời gian tới, tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, từ đó giúp phục hồi, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.
Triển khai thực hiện Quy hoạch, Lào Cai sẽ tiến hành điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trong hệ thống sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Thả giống tái tạo phục hồi môi trường nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên; quản lý, bảo vệ 3 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; 4 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; bảo vệ các bãi đẻ, đường di cư sinh sản của các loài thủy sản, khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản con non tập trung sinh sống. Tỉnh sẽ tổ chức quản lý khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ba khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm sông Chảy (từ xã Xuân Thượng đến xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, 100 ha); sông Hồng đoạn khu vực Ngòi Đum, Cốc Lếu, thành phố Lào Cai (từ cầu Kim Thành đến cầu Giang Đông, thành phố Lào Cai); sông Hồng đoạn khu vực cửa Ngòi Bo, Bãi Soi cờ từ xã Thái Niên đến xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (415 ha).
Bốn khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn gồm hồ Cốc Ly, huyện Bắc Hà (600 ha), thời gian cấm khai thác từ 15/7-30/9; sông Chảy từ xã Xuân Thượng đến xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (197 ha), thời gian cấm khai thác từ 15/5-30/7; sông Hồng từ tổ dân phố Phú Long 1,2 đến tổ dân phố Phú Thịnh 2, 3 thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (90 ha), thời gian cấm khai thác từ 1/4-30/7; sông Hồng từ thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng đến ngã ba sông Hồng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), thời gian cấm khai thác từ 1/3-31/7.
Tỉnh cũng vận động người dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Ảnh minh họa).
Để đạt mục tiêu hơn 95% người dân không sử dụng chất nổ, xung điện, kích điện, ngư cụ cấm khai thác thủy sản; Lào Cai sẽ thực hiện kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Hằng năm, địa phương này lấy ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4) hoặc ngày Lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy Âm lịch) tỉnh phát động phong trào thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn; đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Tỉnh cũng vận động người dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, Lào Cai kiện toàn bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh; đề xuất, đặt hàng dự án, đề án nghiên cứu, lựa chọn giống bố mẹ, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm.../.
Thu Thúy
Bình luận