Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ bảy, 04/11/2023 14:11
TMO – Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Phát triển các thói quen, thực hành tốt về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; phổ biến, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với lợi thế và đặc trưng của các ngành, lĩnh vực và từng địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp thực hiện tổng hợp ý kiến về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Theo Dự thảo, đến năm 2025, Việt Nam tập trung xây dựng, thiết lập cơ chế vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn; ban hành khung hướng dẫn, hoàn thành việc xây dựng, ban hành kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của các ngành, lĩnh vực, địa phương;
Kinh tế tuần hoàn được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải ở các cấp, các ngành; ban hành và tổ chức hướng dẫn áp dụng hiệu quả các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; Xây dựng tài liệu, tổ chức hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo lộ trình; thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng khung giám sát chung về thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Phân loại, tái sử dụng chai nhựa.
Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tuần hoàn được phổ biến, áp dụng rộng rãi và là nguyên tắc, cách tiếp cận ưu tiên trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý chất thải ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế; Hình thành môi trường thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật, khoa học công nghệ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong áp dụng kinh tế tuần hoàn theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; Hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Phát triển các thói quen, thực hành tốt về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; phổ biến, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với lợi thế và đặc trưng của các ngành, lĩnh vực và từng địa phương; Hình thành các chuỗi cung ứng và thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu theo các sản phẩm, dòng chất thải trọng tâm theo các chiến lược, biện pháp và tiêu chí của kinh tế tuần hoàn đối với một số sản phẩm có tiềm năng hoặc tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu và năng lượng.
Kinh tế tuần hoàn là gì?
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nền Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp được phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm mất khả năng tái sử dụng và quay trở lại sinh quyển thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình kinh doanh. Theo Quỹ Ellen Mac Arthur, nền Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế vượt qua mô hình công nghiệp khai thác tận thu hiện nay, tập trung vào các lợi ích tích cực cho toàn xã hội. Nó kéo theo hoạt động kinh tế dần tách rời khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn và hạn chế chất thải phát sinh, đồng thời chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Như vậy, có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều.
Phạm Dung
Bình luận