Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Chủ nhật, 24/03/2024 07:03
TMO - Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các Sở, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng xử lý các nguồn thải, hướng đến chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Vĩnh Phúc hiện có trên 120.000 con trâu bò, trên 11 triệu con gia cầm và hơn 450.000 con lợn. Bình quân mỗi ngày, đàn GSGC thải ra hơn 6.121 tấn phân tươi, 400 nghìn lít nước tiểu, trong khi đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi qua hầm biogas, đệm lót sinh học và các biện pháp xử lý khác của các hộ chưa đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT).
Nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống; đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và Luật BVMT năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thu gom, xử lý rác thải và VSMT. Hoàn thiện thủ tục về đất đai tại một số địa điểm được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, đưa cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khỏi khu dân cư; thanh tra, kiểm tra về hoạt động chăn nuôi, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư; rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh, bổ sung quỹ đất đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung đảm bảo theo quy định, hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT đã tập trung đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch số 56 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Địa phương này triển khai kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn kê khai hoạt động chăn nuôi và phân loại quy mô chăn nuôi nông hộ, quy mô chăn nuôi trang trại (lớn, vừa và nhỏ) theo quy định; triển khai mô hình thực hiện chính sách hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”; hướng dẫn các địa phương hoàn thiện các thủ tục xin ý kiến chấp thuận hoặc thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều tại các địa điểm ngoài bãi sông được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2422 phê duyệt kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023. Sau hơn 4 năm triển khai, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng đi mới, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Theo kế hoạch, tỉnh hỗ trợ các hộ chăn nuôi gà 50% chi phí mua chế phẩm để làm đệm lót sinh học xử lý chất thải; mức hỗ trợ tương ứng 1.000 đồng/con, nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ (dành cho các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con/lứa trở lên). Đồng thời hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn cho các hộ có quy mô từ 10 con trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò cho các hộ có quy mô từ 5 con trở lên, 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa cho các hộ có quy mô từ 3 con trở lên.
Triển khai thực hiện chương trình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) thường xuyên phối hợp với các Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện; tổ chức 29 hội nghị triển khai, tham quan, tổng kết để tuyên truyền các hoạt động của chương trình hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
Chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021- 2023, giúp các hộ chăn nuôi và các địa phương giải quyết tốt được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặt khác, thông qua chương trình nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, từng bước thúc đẩy quá trình “xanh, sạch hóa” chuồng trại, phát triển kinh tế tuần hoàn...
Trên cơ sở kết quả đạt được của chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, Sở NN& PTNT kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh cho phép triển khai tiếp chương trình trong giai đoạn 2024 - 2025 giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Thời gian tới các địa phương cần tập trung phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.
Những năm qua, ngành chăn nuôi trên cả nước phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường. Ước tính mỗi năm bình quân có 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Chỉ một số ít được xử lý, tái sử dụng (làm khí sinh học, ủ phân phục vụ cây trồng, nuôi giun, cho cá ăn…), còn lại phần lớn là được thải ra môi trường, gây lãng phí và ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, phát sinh dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân là do chăn nuôi tự phát còn nhiều, tỷ lệ số hộ áp dụng biện pháp xử lý chất thải của vật nuôi (phân, nước tiểu, chất thải lỏng, chất thải rắn…), chất thải khác từ các cơ sở giết mổ (lông da, sừng, móng, nội tạng…), từ dịch bệnh (gia súc, gia cầm chết) theo quy định còn thấp, nhất là tại một số nơi phương thức chăn nuôi thả rông của người dân vẫn phổ biến. Bên cạnh đó, công nghệ chăn nuôi, công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng được tốc độ phát triển chăn nuôi; thiếu chính sách cụ thể, hoặc có nhưng chưa triển khai được do không phù hợp thực tế để giúp các trang trại chăn nuôi xử lý chất thải; diện tích đất chăn thả cho gia súc lớn (trâu, bò, dê, cừu…) hạn hẹp, nơi có quy hoạch, nơi không có, cho nên khó đầu tư cho việc xử lý chất thải…
Thời gian tới, các địa phương cần tập trung phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi (một trong năm đề án ưu tiên thuộc Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045). đẩy nhanh tiến độ ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao, ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường tái chế, sản xuất các chất thải để phục vụ lại cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là việc xả thải các chất thải từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật ra môi trường.
Mạnh Dũng
Bình luận