Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Chủ nhật, 26/03/2023 07:03
TMO - Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường, hướng tới phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Hiện, số lượng đàn lợn cả nước đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...Ước tính lượng chất thải phát sinh từ một số vật nuôi chính khoảng 70 triệu tấn chất thải rắn và trên 114 triệu m3 nước thải. Cùng với những đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, sự tăng trưởng này đang gây áp lực lớn đối với môi trường nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả chất thải từ ngành chăn nuôi.
Theo Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), đối với mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện nay có ba công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).
Trong thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP - là dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) triển khai từ năm 2013 - 2019 tại 10 tỉnh thành trên cả nước) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas. Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng và người dân.
Các địa phương đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm xử lý hiệu quả chất thải ngành chăn nuôi.
Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp các địa phương đã sử dụng các mô hình: Mô hình vườn ao chuồng (VAC); mô hình luân canh “lúa – tôm”, “lúa – cá”; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò – trùn quế - cỏ/ngô – gia súc, gia cầm – cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; Vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước.
Tại tỉnh Đồng Nai, với số lượng đàn heo lên tới 2,6 triệu con, tỉnh đã áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được gần như triệt để. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330.000m2. Ngoài ra các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Bắc (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam Bộ) đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, công nghệ ứng dụng côn trùng đang dần phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. Cục Chăn nuôi mới công bố thêm ruồi lính đen - một loài vật nuôi khác được phép sử dụng trong chăn nuôi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy 1 kg ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý 10 kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Phân và ấu trùng ruồi lính đen được nhận định là nguồn nguyên liệu đầu vào hiệu quả. Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về yến sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong quá trình nuôi yến, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển ruồi lính đen trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia năng lực sử dụng, ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta còn hạn chế, mới chỉ ở các Viện, trường; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, ứng dụng công nghệ chưa rộng rãi và chưa thực sự quan tâm. Do vậy, thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức, vài trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; tổ chức triển khai các mô hình…
Thanh Nga
Bình luận