Hotline: 0941068156
Thứ năm, 09/01/2025 12:01
Thứ bảy, 04/01/2025 06:01
TMO - Thời gian gần đây, tỉnh Bình Thuận đã khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, góp phần gia tăng năng suất, chất lượng của đàn vật nuôi cũng như cây trồng, giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế, vật chất cho người nông dân.
Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng đi hiệu quả được nhiều địa phương áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Với tiềm năng, thế mạnh lớn, tỉnh Ninh Thuận xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, bằng những giải pháp đồng bộ trong thời gian qua, nông nghiệp Bình Thuận đã bứt phá phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng nông nghiệp của cả nước.
Trong năm 2024 Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Trong đó, sản lượng lương thực là 873.080 tấn, đạt 100,1% kế hoạch; sản lượng hạt điều 12.700 tấn, đạt 103,3% kế hoạch; sản lượng cao su 69.500 tấn, đạt 103% kế hoạch; tổng đàn lợn 404.000 con, đạt 101% kế hoạch; tổng sản lượng thịt hơi các loại 106.000 tấn, đạt 110,4% kế hoạch; trồng rừng tập trung 4.248 ha, đạt 103,6% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng 43%, đạt 100% kế hoạch; sản lượng thủy sản khai thác 239.600 tấn, đạt 100,3% kế hoạch; sản lượng tôm giống 25,5 tỷ, đạt 100% kế hoạch; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 77 xã, đạt 101,3% kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã góp một phần lớn, quan trọng. Đơn cử như trong lĩnh vực chăn nuôi đã cải thiện chất lượng đàn bò bằng các giống tinh ngoại nhập, nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai, tuyển chọn các loài cây ăn quả có nguồn gốc bản địa, phục tráng giống lúa mẹ.
Nhiều kỹ thuật công nghệ được ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi như giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa, liên kết sản xuất và tiêu thụ mủ trôm theo hướng bền vững tại Tuy Phong; sản xuất nha đam, thanh long, trồng đậu bắp Nhật, nho NH01-152, táo TN05 hướng hữu cơ theo liên kết chuỗi tại Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam... ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát Hòa Thắng, Bắc Bình. Bên cạnh, một số mô hình, giải pháp do Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) phối hợp sở ngành chức năng triển khai hiệu quả tại các địa phương.
Có thể kể đến đề tài Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi cá chẽm thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm và mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong bể xi măng tại Hàm Thuận Nam. Các biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp (ICM) phát triển bền vững cây hồ tiêu tại 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh; trồng măng tây kết hợp tưới nước tiết kiệm ở Tánh Linh; mô hình thâm canh tổng hợp cây điều bền vững tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, một số giải pháp tiên tiến khác như công nghệ chế biến nước lên men, rượu vang từ thanh long; thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu phù hợp hộ gia đình.
Ứng dụng công nghệ Enzyme chế biến trái nhàu, nâng cao giá trị, bảo vệ sức khỏe được Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở KH&CN) cùng các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng trong sản xuất, chế biến được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Bên cạnh đó, Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận đang đặt hàng 10 đề tài cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong năm 2025, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao đã mang lại năng suất, sản lượng nông sản vượt trội hơn cho bà con Bình Thuận. (Ảnh minh hoạ: VQ).
Trong đó, có các đề tài: Thử nghiệm nhóm cây bản địa chịu hạn làm nguồn cây giống trồng rừng trên đất cát ven biển Bình Thuận; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật trước thu hoạch, thu hoạch và sau thu hoạch quản lý chất lượng, cải thiện và nâng cao khả năng bảo quản sau thu hoạch cho trái thanh long (ruột trắng, đỏ) tỉnh Bình Thuận cung ứng cho thị trường xuất khẩu; xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vườn thanh long già cỗi, kém hiệu quả sang cây trồng cạn khác gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong năm 2024, Sở KH&CN tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm lợi thế.
Hỗ trợ một số doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Lãnh đạo Sở KH&CN lưu ý các huyện, thị, thành phố thông báo các tổ chức, cá nhân đăng ký đề tài, dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ kinh phí, triển khai từ đầu năm tới. Lãnh đạo Sở KH&CN cho biết, những kết quả ứng dụng vào nông nghiệp, phát triển nông thôn đã chứng tỏ vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ nông nghiệp được Sở KH&CN cùng Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn của tỉnh rất quan tâm, ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để định hướng, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021-2030 của tỉnh trên lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, “trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận, ngoài định hướng phát triển nông nghiệp, hữu cơ, tuần hoàn thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một yếu tố rất cần thiết để Bình Thuận tiếp tục bứt phá. Qua đó, tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi… nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp.
Bởi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới mang lại năng suất và chất lượng tốt, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là định hướng lớn, chủ trương đúng đắn, một trong những nhân tố đưa nông nghiệp Bình Thuận phát triển đột phá.
Giang Nam
Bình luận