Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ ba, 19/09/2023 07:09
TMO - Tỉnh Lạng Sơn xác định, một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay, số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh có 84 sản phẩm, trong đó có 65 sản phẩm 3 sao; 19 sản phẩm 4 sao, trong đó nhiều sản phẩm đã từng bước vươn xa chiếm lĩnh thị trường, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao, vùng biên giới của tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động hợp tác, nghiên cứu triển khai, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh, các hoạt động hỗ trợ hình thành và phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm, thực hiện.
Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như: Hoa Hồi, Hồng, Na, Quýt, Thạch đen, Cao khô, Khoai lang, Ba kích, Rau… đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa… giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thời gian qua, các chương trình, kế hoạch trọng tâm của ngành KH&CN tỉnh tập trung hướng vào tư vấn, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế có các sản phẩm hàng hoá chủ lực, đặc thù của tỉnh, trong đó đã tập trung tư vấn, hỗ trợ các nội dung mà các cơ sở đang rất cần như:
Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; hỗ trợ tạo lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm bằng các hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ..; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá sản phẩm; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ,…
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp và nông thôn tập trung nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về giống và quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương: Na, Mít, dứa, Hồng không hạt, Mận cơm, Chanh rừng, Măng Bát độ, Trám đen.., một số vật nuôi bản địa, nghiên cứu về đặc tính dược học, dinh dưỡng của các sản phẩm địa phương như Mác mật, Mật ong hoa ngũ gia bì,… Các nghiên cứu ứng dụng khoa học bảo tồn nguồn gen cây trồng và cây dược liệu như Chanh rừng, Mận cơm, Vịt cổ xanh,… và các loài dược liệu quý hiếm như Ngũ gia bì gai, Lá khôi, Đẳng sâm, Ba kích tím, Bình vôi, Hà thủ ô đỏ, Hoàng tinh hoa đỏ, Hoàng tinh hoa trắng,...
Sản phẩm OCOP na Chi Lăng được gắn mã QR code để thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc. Ảnh: HV.
Thực hiện nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 với 07 đề tài, tập trung vào Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP của tỉnh như: Hồng Vành Khuyên; Quýt Tràng Định; hạt dẻ tại thành phố Lạng Sơn; chè dưới tán hồi tại huyện Bình Gia; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững giống khoai lang bản địa và trồng thử nghiệm một số giống khoai lang mới trên địa bàn huyện Lộc Bình; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục tráng, xây dựng mô hình nhân giống, thâm canh và xây dựng thương hiệu cho giống lúa Bao Thai Hồng. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục tráng và phát triển bền vững sản phẩm gà Vạn Linh, Chi Lăng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 40 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ bằng các hình thức Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, hơn 600 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường. Trong đó nhiều sản phẩm OCOP đã được bảo hộ, đồng thời thực hiện hướng dẫn, tư vấn các chủ thể nhãn hiệu các giải pháp nâng cao năng lực bảo hộ, khai thác và quản trị tài sản trí tuệ .
Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã tuyển chọn 06 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025 trong đó có tập trung vào các nội dung: Thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực; Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng; Triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hỗ trợ tổ chức chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý: an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp,... và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
Nhìn chung trong thời gian qua các hoạt động khoa học và công nghệ được triển khai đồng bộ, các đề tài, dự án được lựa chọn nghiên cứu triển khai thực hiện đều có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống, sản xuất được đẩy mạnh góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho bà con nông dân. Một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm xuất khẩu của địa phương đã được bảo hộ tài sản trí tuệ góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP...
Triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; văn hóa thể thao và du lịch; nông nghiệp và phát triển nông thôn... các địa phương đã hình thành, xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm OCOP đặc thù địa phương gắn với thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, gắn kết sản phẩm OCOP trong phát triển du lịch, thúc đẩy chuyển đổi số với mục tiêu để nâng cao hiệu quả sản phẩm OCOP cũng như góp phần để người dân tiếp cận được sản phẩm qua nhiều hình thức, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị...
Trong khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đặt ra là đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát-chứng thực của công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp, đặc biệt là với các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, tập trung đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khởi nghiệp... góp phần phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm trong chương trình OCOP giai đoạn tới.
Thanh Tuyền
Bình luận