Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 15:01
Thứ ba, 14/01/2025 08:01
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao khẩn trương trình Chính phủ quy định áp dụng mức khí thải của phương tiện đang lưu hành (trong đó lưu ý nâng mức tiêu chuẩn khí thải; có quy định về tiêu chí đối với từng khu vực, địa bàn ô nhiễm cao cần phải hạn chế tổ chức giao thông đối với phương tiện có phát thải cao làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Chuyển đổi xanh nền kinh tế, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động giao thông đã trở nên bức xúc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân tại một số đô thị; việc chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh có vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí carbon và khí metan.
Các Bộ, ngành liên quan, các địa phương trong thời gian qua đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần tích cực tạo tiền đề để chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có trọng tâm, chưa tạo được kết quả nổi bật.
Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, kết luận tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát hành lang pháp lý về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với phương tiện giao thông mới (phương tiện lần đầu đưa vào lưu hành), bảo đảm quản lý chặt chẽ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát quy hoạch của Hà Nội, TP. HCM và các địa phương, bảo đảm tích hợp với quy hoạch giao thông vận tải về hạ tầng liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, trong đó có giao thông công cộng (nhất là trạm sạc cho xe ô tô điện).
(Ảnh minh họa)
Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng (chính sách đối với doanh nghiệp vận tải, đối với người dân, người tham gia phương tiện giao thông công cộng…), đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (lưu ý đề xuất hình thức văn bản, cơ quan ban hành…). Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông xanh, trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương khẩn trương bảo đảm hoạt động sản xuất, nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới có chất lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên liệu sinh học đáp ứng lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải của xe cơ giới; đề xuất hoặc ban hành cơ chế chính sách ưu tiên sử dụng xăng nhiên liệu sinh học; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong việc kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, lắp ráp xe cơ giới tuân thủ mức tiêu chuẩn khí thải quy định của pháp luật. Đồng thời, sớm xây dựng quy định danh mục giá điện cho sản xuất kinh doanh để áp dụng đối với các trạm sạc điện cho xe ô tô điện, xe máy điện; nghiên cứu, đề xuất việc công khai thông tin và áp dụng giá bán lẻ điện vào giờ cao điểm, thấp điểm của thị trường bán lẻ điện.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy định áp dụng mức khí thải của phương tiện đang lưu hành (trong đó lưu ý nâng mức tiêu chuẩn khí thải; có quy định về tiêu chí đối với từng khu vực, địa bàn ô nhiễm cao cần phải hạn chế tổ chức giao thông đối với phương tiện có phát thải cao làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện); xác định và công khai thông tin hoặc hướng dẫn các địa phương xác định và công khai thông tin đối với vùng phát thải cao. Rà soát chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm kiểm soát và hạn chế phương tiện phát thải cao; rà soát chính sách đất đai phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc đối với phương tiện giao thông xanh; khẩn trương tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia khác về mô hình chính sách tài chính xanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp cận với nguồn tài chính trong và ngoài nước để hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện xanh; nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chí cho dự án sản xuất phương tiện xanh.
Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai quy hoạch xây dựng đô thị giai đoạn mới, trong đó yêu cầu ngành giao thông vận tải các địa phương phải đi trước một bước trong việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng giao thông với hạ tầng đô thị. Nghiên cứu chính sách khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh để thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chính quyền các địa phương khẩn trương xây dựng chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh tại địa phương; Hà Nội và TP. HCM khẩn trương ban hành chính sách để kiểm soát phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường, có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao.
Xu hướng tất yếu
Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris. Việc triển khai các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Cam kết mạnh mẽ tại COP26 là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành giao thông vận tải (GTVT) nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm và tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để góp phần hiện thực hoá những cam kết tại COP26, Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT với những mục tiêu, lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đường bộ với việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành GTVT tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo các chuyên gia, trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm cả nước hiện nay có trên 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có trên 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Việt Nam là nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ bắt đầu trong hơn ba thập kỷ qua và đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Với mục tiêu tăng GDP khoảng trên 7% mỗi năm, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế đang là những ngành có mức độ phát thải khí nhà kính cao, việc đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải mạnh mẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có thể sẽ dẫn đến những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.
GTVT là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế, do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành, tuy nhiên cũng sẽ mang đến không ít những khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế. Trên thế giới, tỷ lệ xe không phát thải mới bán ra hiện nay khoảng trên 2% và ước tính đến năm 2030 khoảng 30%. Do đó, các chính sách và sáng kiến trong tương lai của Việt Nam về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải phát triển nhanh và mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp phương tiện, trang thiết bị không phát thải còn khá non trẻ tại Việt Nam.
Cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính. Đây cũng sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài những lợi ích trên, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ người dân…/.
ĐOÀN VINH
Bình luận