Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ bảy, 22/07/2023 12:07
TMO - Các dự án năng lượng tái tạo góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội và du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, đất đai, khí hậu và là nơi còn rất nhiều dư địa, cơ hội đầu tư phát triển trong các lĩnh vực, đặc biệt là tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: Thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối...
Toàn tỉnh có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, phân bố trên các hệ thống sông suối, ao hồ. Sông suối ở Gia Lai có đặc điểm là ngắn và dốc, rất thuận lợi để xây dựng công trình thủy điện, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng hơn 3.000 MW. Về tiềm năng điện mặt trời, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,6-5,2 kWh/m2, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW.
Về tiềm năng điện gió, Gia Lai có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW. Tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối trên địa bàn cho sản xuất năng lượng với khoảng 620.000 tấn/năm (gồm bã mía có sản lượng khoảng 520.000 tấn/năm; chất thải hữu cơ từ chế biến nông-lâm sản như vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa… sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm), quy mô công suất có thể đạt khoảng 850 MW.
Tỉnh Gia Lai tăng cường kiểm soát việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2021, các chương trình, kế hoạch và các quyết định, văn bản hành chính mang tính chủ trương, định hướng và chỉ đạo, điều hành về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh được ban hành cơ bản kịp thời, đồng bộ và thống nhất với các quy định của Trung ương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Giai đoạn 2016 - 2021, tổng sản lượng điện cung ứng trên địa bàn tỉnh khoảng 6.828 triệu kWh, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; đồng thời, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng khu vực, quốc gia.
UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh việc khai thác lợi thế về thủy điện, điện gió và điện mặt trời thì việc tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm từ ngành chế biến nông-lâm sản để phát triển điện sinh khối là hướng đi đầy tiềm năng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo, với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW (trong đó đã đưa vào vận hành khoảng 3.005 MW) cùng với 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 480 MW, sản lượng điện sản xuất được khoảng 08 tỷ kWh. Toàn tỉnh có 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất trên 1.200.000MW, trong đó, 7 dự án đang vận hành thương mại 100% với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117,2 MW, chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án đã triển khai thi công hoàn thành nhưng chưa đưa vào vận hành với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với công suất 50 MW.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 129,6MW. Theo đánh giá của Sở Công Thương Gia Lai, trong 2 năm vừa qua, Gia Lai đã có thêm 1.200 MW điện năng lượng tái tạo. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút nguồn vốn rất lớn, mức đầu tư trung bình điện gió là 35 tỷ đồng/MW, thủy điện là 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW. Do vậy, việc dự phòng, dự trữ năng lượng, an ninh, an toàn năng lượng của tỉnh được bảo đảm, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên địa bàn, vừa cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia hỗ trợ các vùng, miền khác.
Tỉnh Gia Lai được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển điện sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp nhất là bã mía.
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện bằng các dự án cấp điện nông thôn và vốn sửa chữa hằng năm của Công ty Điện lực Gia Lai. Đến nay, tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh tiếp nhận 35 hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.
Thời gian qua, khi các dự án, công trình năng lượng tái tạo triển khai xây dựng trên địa bàn, Gia Lai đã chỉ đạo chủ đầu tư các dự án năng lượng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng về tái định canh, hỗ trợ sản xuất và nghề cho hàng ngàn lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động kỹ thuật vận hành sản xuất khi hoàn thành công trình theo quy định.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc đầu tư vào các dự án năng lượng còn phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, quá trình thực hiện phát triển năng lượng còn gặp một số tồn tại vướng mắc, trong đó có việc đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tại địa phương còn thiếu, chưa được đào tạo cập nhập các kiến thức mới thường xuyên. Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển các dự án như: Các công trình năng lượng chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, doanh nghiệp, giá, điện lực, tài nguyên nước, thủy lợi, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường đã và đang gây khó khăn cho Gia Lai trong quá trình thực hiện phát triển năng lượng điện.
Để tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch tương ứng với tiềm năng của tỉnh, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu, Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, đưa vào tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi với tổng công suất khoảng 15.566 MW nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao.
Trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo, công tác đền bù, di dân, tái định cư tại một số dự án phát triển năng lượng thủy điện, năng lượng gió chưa đáp ứng được tiêu chí bảo đảm sinh kế và an sinh cho người dân cũng như sự phối hợp, chỉ đạo của tỉnh với các chủ đầu tư trong các dự án di dân, tái định cư, bảo đảm các tiêu chí an sinh xã hội…vẫn còn một số những hạn chế. Do vậy, tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm ban hành Quyết định quy định về quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc quy hoạch phát triển điện lực để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với đó là ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió, như xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc... làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
V. Thảo
Bình luận