Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 13:11
Thứ bảy, 16/11/2024 19:11
TMO - Dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu sử dụng đất là 52.505 ha; giai đoạn 2031 - 2050 nhu cầu sử dụng đất là 21.124 ha.
Theo đó, tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các nội dung của Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tập trung giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các đề án/dự án thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu sử dụng đất là 52.505 ha; giai đoạn 2031 - 2050 nhu cầu sử dụng đất là 21.124 ha.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thực hiện thăm dò, khai thác tối đa các khu vực khoáng sản đã được quy hoạch nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và dự trữ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.
Theo Kế hoạch, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản nằm trong Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng làm cơ sở cho việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
(Ảnh minh họa)
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các đề án/dự án thăm dò, khai thác sớm triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó ưu tiên việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản gắn liền với dự án đầu tư nhà máy chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật Quy hoạch sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trước đó, ngày 15/12/2023, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030. Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan. Hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng tập trung, đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.
Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp khai thác - chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành công nghiệp hiện đại, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ định vị vào quản lý và sản xuất; hạn chế các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh; đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng và đá hoa trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản.
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; áp dụng triệt để công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050; chấm dứt các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường; khuyến khích hình thành và phát triển một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Minh Trần
Bình luận