Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ hai, 05/09/2022 14:09
TMO - Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Qua đó, thực hiện tốt nguyên tắc bảo vệ nước dưới đất gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Kế hoạch số 155/KH-UBND về việc tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa được phê duyệt nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động khoan đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngâm, tháo khô mỏ... để sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
Đồng thời, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, các khu, cụm công nghiệp, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt lún đất.
Kế hoạch được triển khai bao gồm thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác có liên quan đến nước dưới đất; xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị điều tra xác định trữ lượng nước ngầm trên địa bàn, từ đó có giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả
Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo điều tra và nghiên cứu, xác định được trữ lượng nước ngầm trên địa bàn theo tính toán là 342.437m3/ngày, trong đó, trữ lượng nước trong các tầng chứa nước lỗ hổng là 125.964m3/ngày và trong các tầng chứa nước khe nứt là 216.473m3/ngày. Tuy nhiên, thành phố chỉ xác định trữ lượng nước ngầm có thể khai thác được là 73.898m3/ngày, chiếm 21,6% trữ lượng nước ngầm tính toán.
Trong quá trình cấp phép khai thác nước ngầm, UBND thành phố yêu cầu đánh giá từng công trình, nhất là về quy hoạch và thăm dò, đánh giá trữ lượng lẫn chất lượng nước ngầm. Đặc biệt, nhằm hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố công bố danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm với diện tích hạn chế khai thác là 248,607km2 thuộc 55/56 xã, phường với 3 vùng hạn chế.
Theo đó, vùng hạn chế 1 có tổng diện tích 89,985 km2 ở 30 xã, phường, trong đó, khu vực có biên mặn (ranh mặn) có diện tích 36,613 km2 ở 23 phường, xã; khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung 4,884 km2 ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu); khu vực có nghĩa trang tập trung là 49,341 km2 tại 9 phường, xã.
Trong phạm vi vùng hạn chế 1, dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước ngầm hiện có và trám, lấp các giếng; trong khu vực liền kề vùng hạn chế 1 thì không được cấp phép thăm dò, khai thác, xây dựng thêm công trình khai thác nước ngầm mới... và trám, lấp giếng, dừng hoạt động khai thác đối với công trình khai thác không có giấy phép.
Vùng hạn chế 3 bao gồm các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung đã có hệ thống cấp nước với tổng diện tích 221,499 km2 tại 54 phường, xã. Đối với vùng hạn chế 3 không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới; công trình không có giấy phép thì dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định.
Vùng hạn chế hỗn hợp là các khu vực thuộc vùng hạn chế 1 và 3 bị chồng lấn nhau với diện tích 62,877 km2 tại 29 phường, xã, thì áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm như đối với vùng hạn chế 1 và 3.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 218 công trình khai thác nước ngầm có lưu lượng khai thác từ 10m3/ngày/công trình trở lên với tổng lưu lượng khai thác hơn 13.700m3/ngày, trong đó, nhiều nhất là quận Ngũ Hành Sơn với 136 công trình có tổng lưu lượng khai thác nước ngầm đến 6.321m3/ngày; quận Sơn Trà có 47 công trình, 3.986m3/ngày; quận Liên Chiểu có 22 công trình, 2.575m3/ngày...
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT các cấp tổ chức điều tra, thống kê, rà soát, phân loại và lập danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp. Trên cơ sở danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã, phường thông báo tới chủ giếng để thi công trám lấp giếng theo quy định.
Đối với trường hợp giếng phải trám lấp trong danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp mà không xác định được chủ giếng thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các đơn vị tổ chức thi công trám lấp theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ.
Sở TN&MT tăng cường giám sát đối với các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định về quản lý và bảo vệ nước dưới đất đến doanh nghiệp và địa phương nhằm đảm bảo thực hiện tốt các quy định về bảo vệ nước dưới đất, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện tốt các phương án đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất; đôn đốc các đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi quy mô gia đình, nhỏ lẻ thực hiện tốt các biện pháp chống ô nhiễm các tầng chứa nước dưới đất do hoá chất bảo vệ thực vật và chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
Căn cứ phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt, Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các phương án để đảm bảo cung cấp nước từ mạng lưới công trình nước sạch đô thị cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép khai thác nước dưới đất trong phạm vi quản lý.
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân các hoạt động khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, xử lý nền móng công trình và các hoạt động khoan, đào khác trong xây dựng có liên quan đến nước dưới đất phải có phương án bảo vệ nước dưới đất đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT.
UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc đề xuất, phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án về tài nguyên nước từ nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn khác theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước khi quyết định việc đầu tư.
Đối với các dự án xây dựng hồ chứa trên sông, suối, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan như quy hoạch tài nguyên nước, các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, bảo đảm sự di cư của các loài cá, sự đi lại của phương tiện vận tải thủy đối với các đoạn sông, suối có hoạt...
Lê Kiên
Bình luận