Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ sáu, 29/12/2023 07:12
TMO - Tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp; phát huy thế mạnh của sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng.
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 được xây dựng với các nội dung nhằm thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại điện tử, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường năng lực hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa trong tỉnh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp;...
Trên tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương tỉnh đã lựa chọn nội dung đột phá “phát triển thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ hợp tác xã, công ty và hộ kinh doanh tìm đầu ra, tiêu thụ các sản phẩm, nông sản”.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử, hàng năm, Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thương mại điện tử, cập nhật tình hình phát triển của thương mại điện tử trong nước và thế giới. Sở phối hợp tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn hỗ trợ các đơn vị xây dựng, vận hành phần mềm quản lý dữ liệu theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp thương mại điện tử; hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng online và phần mềm quản lý bán hàng thông minh.
Hiện trên 3.800 sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời quản lý, vận hành 3 hệ thống phần mềm thương mại điện tử; đưa 3.806 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận được với khách hàng trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, gia tăng doanh số bán hàng. Toàn tỉnh hiện duy trì 97 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể được đánh giá, phân hạng, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao. Các cấp, ngành, đơn vị chức năng có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể thiết kế mẫu mã, bao bì, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, xây dựng Website và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại…
Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại các điểm bán hàng gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm được đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong đó, 100% chủ thể OCOP là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp (37/37 đơn vị) tham gia hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại lớn; 90% chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh (27/30 hộ sản xuất, kinh doanh) tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các sàn giao dịch.
Hiện nay, Sở Công Thương đang quản lý và vận hành 3 hệ thống phần mềm, đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các nhà phân phối quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, Sở này cũng đã tích cực tuyên truyền, thông tin về các chương trình, hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.
Để gắn kết với thị trường, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để có thể xây dựng chiến lược phát triển bền vững và đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng.
Thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và các tỉnh, thành phố, ứng dụng công nghệ số để giới thiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tạo điều kiện cho 40 lượt doanh nghiệp, HTX là các chủ thể có sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia 9 hội chợ, chương trình kết nối cung cầu tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Ninh Bình, Phú Thọ...
Nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm nâng tầm giá trị…
Trần Tuấn
Bình luận