Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ ba, 29/08/2023 13:08
TMO - Khu vực miền núi - nơi diễn ra hoạt động sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng hoá, nông sản. Trước thực tế này, ngành chức năng tỉnh Bình Định đang triển khai nhiều phương an nhằm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản tại khu vực trên.
Những năm trở lại đây với việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định đã nâng cao chất lượng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, nông sản chất lượng. Huyện An Lão hiện có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 29 sản phẩm 2 sao, trong đó có một số sản phẩm tạo nên thương hiệu riêng như: Mật ong rừng của cơ sở kinh doanh mật ong rừng Mây, xã An Tân; cam sành; cau trái; trà thảo dược chè dây...
Địa phương này phấn đấu trong năm 2023 có ít nhất 5 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao. Huyện hỗ trợ ít nhất 50% chi phí để chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, chợ phiên, điểm bán sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh...) đồng thời hỗ trợ xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặt tại thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa.
Trên địa bàn huyện Tây Sơn đến hết năm 2022 toàn huyện có 16 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao như đầu đậu phộng; bánh canh rau củ; tré chua Tây Sơn bưởi da xanh, quýt đường, cam xoàn Làng Cam... Huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Huyện Tây Sơn phấn đấu năm 2023 sẽ có thêm 5 sản phẩm OCOP nữa.
Nông dân tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến nông sản, sản phẩm OCOP. Ảnh: TG.
Huyện Vĩnh Thạnh hiện là địa phương có nhiều sản phẩm chất lượng cao như: Rượu sâm nhung, rượu Vĩnh Cửu, dầu phộng Bà Cư, nem chả Quốc Hội, tinh bột mì, tinh bột nghệ, trái ươi, cam sành…UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập ban điều hành, tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất đăng ký chứng nhận và quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Những năm trở lại đây các huyện miền núi trong tỉnh cũng tích cực động viên, khuyến khích các xã, các đơn vị, cơ sở sản xuất phát triển các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, các địa phương còn tìm cách phù hợp hỗ trợ các cơ sở, chủ thể để có thể bán hàng thuận lợi, phát triển sản xuất.
Nhằm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn, tỉnh Bình Định đã tổ chức các hội chợ triển lãm được tổ chức; các gian hàng giới thiệu sản phẩm được xây dựng; hợp tác xã tiêu thụ hàng hóa được triển khai… Giữa tháng 8 vừa qua, Sở Công thương Bình Định đã tổ chức khai trương khu gian hàng giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Khu gian hàng gồm có 15 gian hàng quy chuẩn bày bán các sản phẩm của 50 cơ sở, hộ sản xuất với 80 sản phẩm đặc trưng, đặc sản tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và sản phẩm đạt chuẩn OCOP ở các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân. Các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng của miền núi Bình Định như: Trà Dung túi lọc Cazin, trà Đinh Lăng, bột rau má, bột tía tô, bột sâm bố chính, hoa sâm mặt nạ bột, lá giang khô, mật ong rừng, rượu cần, gạo lúa đỏ, dệt thổ cẩm, rượu ghè, bưởi, cam, chuối, chanh dây, mật ong, chè dây, hạt mắc ca, các loại rau củ quả, rượu nhung nai...
Việc tổ chức chương trình này nằm trong kế hoạch thực hiện nội dung thuộc tiểu dự án 2 của Dự án 3 về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định năm 2023. Đồng thời, sự kiện cũng góp phần hỗ trợ phát triển, mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo hiệu ứng lan tỏa, sức hút, sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng, cộng đồng xã hội đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Định.
Sở Công thương Bình Định đã tổ chức khai trương khu gian hàng giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm kết nối, hiện nay, Sở Công Thương Bình Định hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều, được triển khai xây dựng tại Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão. Hợp tác xã tổ chức tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (dân tộc Bana và H’re) và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương. Mô hình này kết nối tiêu thụ sản phẩm của người dân ở xã An Toàn nói riêng và huyện An Lão tới 18 tỉnh, thành trong cả nước. HTX cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật cho các xã viên xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại xã An Toàn. Qua đó, các sản phẩm địa phương như mật ong, dứa, dược liệu tăng năng lực cạnh tranh, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm ổn định cho bà con.
Thời gian qua, Sở Công Thương Bình Định đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ cho hợp tác xã trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt các tiêu chuẩn OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu…, tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, phiên chợ hàng Việt, kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, nhiều sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh có 57 hợp tác xã (chiếm 30%) thực hiện liên kết và tiêu thụ nông sản cho thành viên dưới hình thức tự tiêu thụ hoặc liên kết với doanh nghiệp (khoảng 15 doanh nghiệp) tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (các sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm, lạc, ngô non và rau an toàn; 21 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 37 sản phẩm của 20 hợp tác xã được công nhận OCOP 3-4 sao.
Chất lượng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng được đổi mới, phát triển. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, điều hành hoạt động vận tải; 100% phương tiện tham gia kinh doanh vận tải của các hợp tác xã đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhờ đó, năng lực vận tải của hợp tác xã dần được nâng cao, thông qua việc huy động vốn, tài sản, phương tiện của thành viên, đổi mới phương thức tổ chức quản lý của hợp tác xã.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 200 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 35 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 189 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm, thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng. Các phong trào, mô hình, điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy. Đồng thời, xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.
Việc hỗ trợ bà con khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc tiêu thụ nông sản là trách nhiệm chung của các Bộ ngành, địa phương. Do đó, để kết nối tiêu thụ nông sản khu vực này, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông giữa giữa vùng nguyên liệu sản xuất đến trung tâm tiêu thụ sản phẩm của bà con là giải pháp quan trọng. Do các địa phương miền núi ở quá xa khu vực trung tâm nên sau khi bà con thu hoạch quả cam, quả dứa, quả bưởi đưa vào sọt, vào bao rồi vận chuyển, khiến hoa quả va vào nhau, xuống cấp nhanh chóng, tiêu thụ khó. Cho nên nếu không đầu tư hạ tầng giao thông thì chất lượng sản phẩm sẽ kém và tạo kẽ hở cho tư thương, chủ vựa hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, hiện nay, công nghệ bảo quản và kho lạnh thiếu, chợ đầu mối thiếu, trong khi đó, phải có công nghệ thì rau quả mới đảm bảo chất lượng. Cần xây dựng các điểm trung chuyển rau quả, nơi đó có kho lạnh, có công nghệ để xác định tiêu chuẩn của sản phẩm xuất khẩu. Làm được như vậy thì nông sản sẽ bảo quản được tốt hơn, nâng cao giá trị khi đến tay người tiêu dùng.
Lê An
Bình luận