Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 06:11
Thứ năm, 30/06/2022 20:06
TMO - Với mục tiêu đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thời gian qua tỉnh Cà Mau đẩy mạnh kết nối thị trường, quảng bá nông sản góp phần tạo sự phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP.
Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngư, nông lâm nghiệp. Những năm qua, tận dụng lợi thế của địa phương, tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng.
Có thể kể đến những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương này như: Cá khô bổi, ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu, gạo, chuối sấy… Đặc biệt, các sản phẩm làm từ tôm như: Bánh phồng tôm, tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đã lan rộng tại thị trường trong nước và nước ngoài. Ảnh: Trúc Đào
Trong năm 2021, tỉnh Cà Mau này có 77 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 4/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm OCOP.
Trong năm 2022, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm...
Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực vào cuộc các ngành, các cấp, đặc biệt là sự tham gia của các chủ thể OCOP trong việc giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, giao thương kết nối tiêu thụ các sản phẩm theo hình thức trực tuyến… đã góp phần tích cực trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng, OCOP của tỉnh Cà Mau trên thị trường.
Tỉnh Cà Mau tổ chức các gian trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Hữu Tùng
Cà Mau hiện có 9 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và 15 cửa hàng tiện lợi bán các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, OCOP của tỉnh. Hiện tỉnh đã đưa vào vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ với hơn 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm được bày bán trên sàn.
Nhằm tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP tại địa phương, tỉnh Cà Mau đã tạo điều kiện tổ chức các Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nội địa sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh, lồng ghép các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP.
Nhờ đó, giá trị sản phẩm OCOP của các chủ thể từng bước được nâng lên; theo kết quả khảo sát sơ bộ, có trên 30% sản phẩm OCOP có doanh thu tăng từ 5 – 8%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng từ 5 – 10%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng từ 15 – 20%.
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh, một số sản phẩm bước đầu xuất khẩu qua thị trường Australia, Canada và Singapore. Chương trình đã lan tỏa sâu rộng, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, một số sản phẩm OCOP của Cà Mau vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và tỷ lệ các sản phẩm vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ trên cả nước chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ, phần lớn được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, việc phát triển sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa sản phẩm OCOP địa phương tiếp cận nhiều hơn với thị trường trong nước và nước ngoài, tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các cơ quan chuyên môn và địa phương phát huy vai trò làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.
Đồng thời, tỉnh thiết lập nhiều kênh phân phối tiêu thụ hiệu quả, phát triển sản phẩm theo hình thức liên kết sản xuất, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ; không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm theo hình thức truyền thống mà đưa sản phẩm OCOP tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử tại địa chỉ madeincamau.com.
Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được quảng bá trên sàn thương mại điện tử của tỉnh
Để phát triển các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể OCOP cần chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường; tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng các điểm trưng bày sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Nâng cao về năng lực maketing cho chủ thể OCOP, doanh nghiệp, HTX trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng website riêng để quảng bá cho thương hiệu, sản phẩm; chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Minh Thu
Bình luận