Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ ba, 08/11/2022 03:11
TMO - Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây ra phát thải nhà kính rất lớn, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp cấp thiết mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện là đẩy mạnh chuyển đổi mô hình phát triển truyền thống sang nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp sinh thái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Trải qua đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã cho thấy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: Nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu; hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ.
Đáng chú ý, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải nhà kính lớn, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất..., hàng năm sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.
Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh hợp tác công-tư trong phát triển nền nông nghiệp phát thải thấp. Ảnh: Bá Hoạt
Dẫn chứng từ địa phương cho thấy, tại Đắk Lắk sản xuất nông nghiệp chiếm cơ cấu chủ đạo trong nền kinh tế, do đó riêng lượng phân bón sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1,2 triệu tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm 60%, phân hữu cơ chiếm 40%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1,2 triệu tấn phế phụ phẩm và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được dùng để sản xuất phân bón hữu cơ. Bình quân lượng phân bón sử dụng theo diện tích gieo trồng là 4 tấn/ha/năm. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp hiện đang là yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
Chính vì vậy, Đắk Lắk đã định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững, bảo vệ tài nguyên đất, nước và môi trường sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh. Địa phương khuyến khích người dân duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng khí thải gắn với tái tạo rừng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: Cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí Methane toàn cầu”; cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Còn tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống thực phẩm của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.
Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” với mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiệu có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải nhà kính. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Để thực hiện các chiến lược, cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau. cùng phát triển một nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững. Thời gian qua, thông qua hợp tác công-tư tại tỉnh Đắk Lắk nhiều hộ nông dân đã áp dụng mô hình phát triển bền vững gắn với nông nghiệp tái sinh đã mang về những kết quả ban đầu.
Nông nghiệp tái sinh nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó bao gồm đất, đa dạng sinh học và nước, mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung. Những lợi ích này bao gồm thu giữ carbon trong đất và sinh khối thực vật; cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và giảm phát thải ròng khí nhà kính.
Do đó, nông nghiệp tái sinh cũng nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của nông dân vào các yếu tố đầu vào của nông nghiệp, cải thiện khả năng chống chịu của đất nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích cho sinh kế của nông dân. Mô hình này đã được triển khai và áp dụng tại trên nhiều diện tích cà phê tại Đắk Lắk và thu được được những thành công ban đầu. Đầu tư nông nghiệp tái sinh mà giảm 40%-60% lượng nước tiêu thụ trong tưới tiêu và tối ưu hóa 20% việc sử dụng phân bón bằng cách đưa vào sản xuất phân compost làm từ vỏ và bã cà-phê.
Nông nghiệp tái sinh được triển khai trên nhiều diện tích cà phê tại Đắk Lắk không những gia tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần hạn chế lượng phát thải trong sản xuất
Trước đây, canh tác theo tập quán nên sản lượng của các nông hộ chỉ đạt được từ 2-2,5 tấn/ha, lợi nhuận thu được còn khiêm tốn. Hiện tại sản lượng đã tăng từ 3-3,5 tấn/ha. Nếu chỉ trồng cà-phê, doanh thu cao nhất mỗi nông dân chỉ đạt 60-65 triệu đồng/ha. Nay nhờ trồng xen canh với cây điều và sầu riêng mà lợi nhuận tăng đáng kể, đạt mức 200-250 triệu đồng/ha. Áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh chuyển sang dùng phân bón vi sinh, chi phí sản xuất của mỗi hộ nông dân giảm từ 1,5-1,8 triệu đồng/ha. Đồng thời, hạn chế được lượng khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững với một nền nông nghiệp xanh - giảm phát thải.
Thu Hà
Bình luận