Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 22/04/2023 06:04
TMO - Sản xuất lúa gạo là một trong những hoạt động chiếm tỷ trọng phát thải khí nhà kính tương đối cao trong ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn, đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam cần chuyển đổi sang con đường sản xuất bền vững hơn, phát thải thấp hơn.
Theo báo cáo "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, xét về mức độ phát thải, trồng lúa phát thải gần 50 triệu tấn khí nhà kính (CO2 quy đổi) mỗi năm, tức trung bình sản xuất 0,9 tấn gạo sinh ra một tấn CO2 quy đổi. Con số này cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, và đứng thứ 5 trong nhóm 10 cường quốc xuất khẩu gạo. Báo cáo cũng chỉ ra dù phát thải khí nhà kính tăng song tăng trưởng năng suất lúa gạo trung bình của Việt Nam chậm lại. Cụ thể, giai đoạn 1980 – 1990 tăng trưởng đạt 4,5%, hai thập kỷ tiếp theo giảm còn 2,9% và 2,5%, gần đây nhất 2011-2019 chỉ còn 1%.
Ngoài ra, hoạt động canh tác lúa gây phát thải khí nhà kính lớn còn đến từ việc xử lý không đúng cách các phế phụ phẩm sau thu hoạch như đốt rơm rạ. Theo các nghiên cứu khoa học, khi bị đốt cháy, rơm, rạ sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc như: CO2, CH4, SO2… làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển.
Trong khi đó, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính vì vậy, chuyển đổi sang trồng lúa carbon thấp đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng lúa gạo hiện nay. Điều này một mặt góp phần từng bước thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc năm 2021, Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, khát vọng trở thành cường quốc lương thực toàn cầu. Như vậy, ngành nông nghiệp không chỉ cần phải định hình tư duy làm nông nghiệp mới mà còn phải thay đổi theo hướng bền vững, nâng cao trách nhiệm với môi trường và chất lượng cuộc sống người nông dân.
Sản xuất lúa gạo của nước ta đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL kỳ vọng góp phần chuyển đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, dự thảo Đề án đã trải qua nhiều hội thảo tham vấn ý kiến từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế, chuyên gia, các địa phương vùng ĐBSCL…
Theo Bộ NN&PTNT, Đề án không chỉ tạo giá trị thu nhập cho người nông dân thông qua bán chứng chỉ carbon phát thải thấp, mà quan trọng là ngành nông nghiệp, các địa phương thay đổi tư duy về nền nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm. Nếu sớm được Chính phủ phê duyệt, Đề án này sẽ triển khai từ năm 2024 tại 12 tỉnh ĐBSCL, hướng tới mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu của Đề án là xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đến năm 2025 đạt hơn 500.000ha và đến 2030 đạt 1 triệu héc-ta. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030.
Quá trình triển khai đề án, các quy chuẩn cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh hướng vào các yếu tố: Sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới; áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính… Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải.
Các giải pháp được đưa ra là thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1 phải: phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 giảm: giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch). Bên cạnh đó là áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, như sử dụng internet vạn vật (IoT) có cảm biến nước để giúp nông dân quyết định tốt hơn về lượng nước tối ưu cần sử dụng.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí chuyển đổi sang mô hình canh tác lúa gạo các bon thấp là khá cao. Qua khảo sát tại Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần phải đầu tư từ 515 USD đến 3.890 USD cho mỗi ha lúa để lần lượt đạt được mức giảm phát thải ở mức trung bình và bằng 0. Vì thế, thời gian chuyển đổi sang lúa gạo các bon thấp càng lâu, chi phí sẽ càng cao.
Để thực hiện được các mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo, những năm qua, vùng ĐBSCL đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có WB, giúp triển khai các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do WB tài trợ, triển khai từ năm 2015 - 2022, nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào thí điểm và thực hiện thành công trên 184.000 héc-ta lúa ở khu vực ĐBSCL.
Từ nay đến năm 2024, WB dự kiến huy động khoảng 40 triệu USD không hoàn lại từ Quỹ chi trả tín chỉ các bon và thị trường tài chính khí hậu để khởi động dự án kế tiếp của VnSAT nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tín chỉ các bon. Nhất là các khu vực đã và đang áp dụng các quy trình 1 phải 5 giảm, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRP..., đồng thời WB sẽ xem xét đưa chương trình này vào danh mục ưu tiên cùng thực hiện với Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.
Tiếp theo giai đoạn 2025 - 2026, cơ quan này có thể huy động thêm 60 triệu USD từ các nguồn quỹ trên để phục vụ mục tiêu phát triển thị trường các bon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, WB mong đợi sẽ tiếp tục tài trợ từ 300 - 400 triệu USD cho vùng ĐBSCL hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh trong những năm tiếp theo.
Bùi Hằng
Bình luận