Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ tư, 17/05/2023 07:05
TMO - Lưu vực sông Hồng-Thái Bình giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm, thất thoát nguồn nước tại lưu vực sông được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, nâng cấp, hoàn thiện mạng quan trắc môi trường lưu vực sông là yêu cầu cấp thiết.
Theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 90/20016/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng quan trắc quốc gia (đối với mạng quan trắc thủy văn), trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, các loại trạm quan trắc liên quan đến nguồn nước bao gồm:
Toàn bộ lưu vực sông Hồng- Thái Bình có 120 trạm quan trắc thủy văn tài nguyên nước mặt, 29 trạm đo mặn, 134 trạm quan trắc môi trường (20 trạm và 114 điểm quan trắc nước mặt định kỳ) hiện còn hoạt động. Lưu vực sông Hồng – Thái Bình hiện nay có 87 điểm 156 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc mạng quan trắc quốc gia đang được vận hành, thực hiện nhiệm vụ quan trắc 6 tầng chứa nước chính gồm: Holocene, Pleistocene, Neogen, trầm tích lục nguyên phun trào Triat, trầm tích carbonat Carbon - Permi và trầm tích biến chất Ordovic trên – Silur.
Việc hoàn thiện mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình góp phần kiểm soát chất lượng nguồn nước, ngăn ngừa ô nhiễm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương.
Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới quan trắc liên quan đến tài nguyên nước được quy hoạch như sau: Đối với mạng quan trắc tài nguyên nước mặt, trong giai đoạn quy hoạch, LVS Hồng - Thái Bình được bổ sung thêm 35 trạm quan trắc nước mặt, 03 trạm đo mặn, 13 trạm quan trắc môi trường.
Với mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất: Đến năm 2050 có cùng kỳ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021. Việc xây dựng hoàn thiện mạng quan trắc theo Quyết định số 432/QĐ-TTg cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ giám sát tài nguyên nước dưới đất trên lưu vực. Do đó, ngoài mạng quan trắc đã được xây dựng, lưu vực sông Hồng – Thái Bình được quy hoạch cần bổ sung thêm 79 điểm với 131 công trình (trong đó có 9 điểm đã có công trình nhưng chưa hoàn thiện).
Mạng giám sát khai thác, sử dụng nước phải bảo đảm khả năng giám sát toàn diện đối tượng sử dụng nước; Vị trí giám sát phải giám sát được số lượng và chất lượng nước ra, vào giữa hai tỉnh, làm cơ sở cho việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tài nguyên nước giữa 2 tỉnh; Vị trí giám sát phải thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng trạm/vị trí và công việc giám sát;
Mạng giám sát khai thác, sử dụng nước phải kết hợp với các mạng giám sát tài nguyên và môi trường; Các vị trí giám sát phải bảo đảm kết hợp tối đa các nhiệm vụ như giám sát số lượng nước, chất lượng nước, khai thác sử dụng…; Mạng giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê tại Quyết định 432/QĐ- TTg ngày 24/3/2021; Các vị trí giám sát phải bảo đảm giám sát được lượng nước chảy vào, tại ranh giới các tỉnh và ranh giới quốc gia.
Trên cơ sở phân đoạn sông, vị trí xác định dòng chảy tối thiểu, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước trên từng nguồn nước trong kỳ quy hoạch và mạng quan trắc tài nguyên nước đã được phê duyệt theo Quyết định 432/QĐTTg ngày 24/3/2021, trong khuôn khổ quy hoạch này đề xuất thực hiện giám sát việc thực hiện quy hoạch tại 156 vị trí, trong đó bao gồm 141 vị trí đối với nước mặt và 15 vị trí đối với nước dưới đất.
Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169.000 km2 . Trong đó, phần lưu vực nằm ở Trung quốc là 79.200 km2 chiếm 48% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Lào là 1.100 km2 chiếm 0,7% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Việt Nam là 88.680 km2 chiếm 51,3% diện tích lưu vực.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng.
Ngọc Minh
Bình luận