Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 23:01
Thứ bảy, 13/05/2023 06:05
TMO - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điện trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo trong đó có điện khí, điện gió.
Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, để đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí, điện gió trong trung và dài hạn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.
Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh) thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải nhà kính. Trong đó, phát triển điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước để thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Việt Nam cần chú trọng quan tâm.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng này.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Dự án điện gió cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển từ 14.900 - 22.400 MW điện khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 và có thể tăng lên 32.400 MW vào năm 2035.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Ngoài ra, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh phát triển ưu tiên 06 ngành kinh tế biển, trong đó có “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”, trong đó điện gió ven bờ và ngoài khơi.
Hoàn thiện khung chính sách về phát triển điện khí, điện gió được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả Quy hoạch điện.
Đề cập đến những khó khăn trong phát triển điện gió và điện khí, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn. Việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao dẫn tới khó có khả năng vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư. Ngoài ra, việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khí có thể thực hiện bằng cách mua khí theo hợp đồng dài hạn, tuy nhiên luôn đi kèm với ràng buộc về sản lượng, trở thành một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua.
Để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng và an toàn vận hành hệ thống thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho sản xuất điện trong nước ngày càng khan hiếm, an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề cần được giải quyết với tầm nhìn dài hạn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điện trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo; xây dựng cơ chế hợp đồng mua - bán điện trực tiếp cũng như xây dựng chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện. Đồng thời, cần hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động cho đầu tư phát triển điện, chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.
Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Lê Đức
Bình luận