Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Chủ nhật, 28/05/2023 07:05
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước.
Một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước…
Do vậy, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Cùng với đó, dự án Luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Dự án luật được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về sử dụng tài nguyên nước góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hiện được xây dựng gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc sửa đổi Luật giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng sử dụng nước, các cơ quan quản lý nước; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước, đặc biệt là công nghệ số để thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm thiểu nhân lực, quản lý vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong kiểm tra, giám sát… trong dự thảo Luật nhằm quản lý có hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực tổ chức rà soát, tập trung vào 48 bộ luật, luật, nghị quyết, 2 điều ước quốc tế có liên quan đến Luật Tài nguyên nước. Do đó, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ việc sử dụng các khái niệm "nguồn nước", "tài nguyên nước" trong một số điều khoản của dự thảo Luật cho thống nhất và phù hợp. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu các điều ước quốc tế liên quan; phối hợp, tổ chức rà soát các quy định giữa các luật để loại bỏ những quy định không cần thiết, hoặc dẫn chiếu theo pháp luật hiện hành, nhất là một số nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung, như Luật Đất đai (các quy định đất có mặt nước ao, hồ, đầm (Điều 184), đất có mặt nước ven biển (Điều 185), đất bãi bồi ven sông, ven biển (Điều 187), đất xây dựng các công trình có hành lang bảo vệ an toàn (Điều 204); Luật Giao dịch điện tử (các quy định về xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia (Điều 8), dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước (Điều 9)… để thể hiện đúng quan điểm, mục đích xây dựng Luật, khắc phục chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật đã được xây dựng dựa trên việc tổng kết thi hành luật, kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước hiện hành và đánh giá, rà soát kết quả thực thi các luật có liên quan. Do đó, về cơ bản các quy định của dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định để tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng nguồn nước, làm rõ thêm nội hàm một số quy định trong dự thảo Luật, như quy định về xây dựng kịch bản nguồn nước (khoản 3 Điều 36), làm rõ căn cứ xây dựng, việc áp dụng kịch bản nguồn nước trong quản lý tài nguyên nước; quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn (khoản 3 Điều 37); quy định về vận hành hồ chứa nước theo thời gian thực và trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều tiết, vận hành liên hồ chứa và hoạt động của Tổ chức lưu vực sông (khoản 4 Điều 39)...
Theo Nghị quyết 16/NQ-CP, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước theo hướng sửa đổi toàn diện Luật tài nguyên nước năm 2012 để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu về quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; khắc phục căn bản những bất cập, vướng mắc do quy định hiện hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các cam kết đa phương, song phương của Việt Nam.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 để làm rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và các giải pháp chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chọn lọc những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả thì tiếp tục thực hiện; các vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn trong thực tế thì điều chỉnh để tháo gỡ; bổ sung những vấn đề chưa có quy định.
Hà Thu
Bình luận