Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ tư, 16/08/2023 07:08
TMO - Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ hướng tới việc sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm...
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước. Nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, mang tính chiến lược, dài hạn và tổng thể nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước.
Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước, với sự ra đời của Luật Tài nguyên nước từ năm 1998, sửa đổi năm 2012, đến nay, về cơ bản công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đã tạo ra sự chuyển biến hết sức tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam.
Đáng chú ý, Luật Tài nguyên nước năm 1998 và năm 2012, còn thiếu hẳn khung pháp lý về an ninh nguồn nước. Với bối cảnh tài nguyên nước chịu nhiều áp lực nền, cộng thêm việc chưa có cơ chế rõ ràng để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trong bối cảnh điều kiện - nguồn lực đầu tư cho ngành nước cực kỳ hạn chế. Ngoài ra, việc sử dụng nước cũng không hiệu quả và chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi, khâu thực thi pháp luật ở địa phương còn chưa nghiêm và nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và chưa đúng các quy định về pháp luật.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ hướng tới việc sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả (Ảnh minh họa).
Theo đánh giá của ngành chức năng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, đến nay, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn còn phổ biến. Vì vậy, thời gian tới, cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW vừa được Cục Quản lý tài nguyên nước gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan Trung ương đã thực hiện 31 cuộc thanh, kiểm tra tài nguyên nước đối với 206 cơ sở khai thác và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương đã xử phạt các cơ sở vi phạm gần 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua kiểm tra báo cáo định kỳ, theo dõi qua hệ thống giám sát tự động trực tuyến, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị các địa phương xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm quy định của giấy phép về khai thác sử dụng nước. Ở cấp địa phương, theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 10 năm qua, các địa phương đã triển khai gần 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đối với gần 19.000 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; qua đó phát hiện và xử lý hơn 1.500 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt gần 59 tỷ đồng.
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nguyên nhân dẫn tới hàng loạt vi phạm nêu trên là do có sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định pháp luật, đối tượng, phạm vi quản lý, trách nhiệm quản lý giữa lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan. Cùng với đó, các chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước chưa thực sự rõ ràng; việc quản lý các dòng sông, quản lý các tầng chứa nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống hậu quả do nước gây ra và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp trong các vấn đề này chưa được quy định một cách hệ thống, rõ ràng, còn thiếu hoặc chưa đầy đủ để giải quyết các vấn đề thực tế.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định rõ trách nhiệm quản lý, phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới bảo đảm an ninh nguồn nước, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi Luật này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước hiện nay, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ; quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng, chống lũ, điều hòa chống úng, chống ngập đô thị. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm quản lý, phân cấp, phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…; đồng thời rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằngBộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các luật, bộ luật liên quan, các công ước quốc tế để hoàn thiện Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); rà soát kỹ sự phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thanh Tú
Bình luận