Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 15/07/2023 12:07
TMO - Quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý rác thải. Thực trạng này đòi hỏi tỉnh Long An cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có công tác quy hoạch, xây dựng các khu tập kết, xử lý rác thải.
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhận định, lượng chất thải rắn sinh hoạt nguy hại có chiều hướng gia tăng hơn so với những năm trước từ 5 – 12%/năm. Dự báo đến năm 2030, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.800.478 tấn/ngày.
Nguồn phát sinh chất thải rắn công nghiệp từ các khu chế xuất, khu công nghiệp, các nhà máy nằm riêng lẻ, từ các làng nghề, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đến năm 2030 lượng chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) thông thường phát sinh là 5.494,24 tấn/ngày; Lượng chất thải rắn (CTR) nguy hại là 2.354,68 tấn/ngày. Nguồn phát thải CTR y tế từ các bệnh viện, trung tâm y tế và các phòng khám của các cơ quan xí nghiệp, nhà máy và phòng khám tư nhân. Lượng rác thải y tế phát sinh trung bình hàng ngày khoảng 4.500kg đến 5.000 kg bao gồm cả chất thải nguy hại.
Trước yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế-xã hội kéo theo sự gia tăng của các nguồn chất thải rắn, tỉnh Long An đặt mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Với sự gia tăng các nguồn chất thải rắn, tỉnh Long An định hướng xây dựng các khu xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường.
Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.
Quy hoạch tỉnh định hướng phát triển các công trình quản lý chất thải rắn tỉnh Long An, đối với phát triển các khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh: Tại phân vùng 1: Khu liên hợp xử lý CTR Thủ Thừa (Khu công nghệ Môi trường xanh), Quy mô xây dựng 200 ha (Khu xử lý cấp vùng TP Hồ Chí MinhLong An) tuân thủ theo Quy hoạch vùng TP.HCM. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp cho thành phố Tân An, TP.HCM, huyện Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa Xử lý chất thải nguy hại tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Chất thải nguy hại không đốt được trên toàn vùng sẽ được vận chuyển về Khu Công nghệ Môi trường Xanh tại Long An để chuyển đi xử lý tại các khu xử lý hợp chuẩn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.
Tại phân vùng 2 phát triển khu xử lý CTR Huyện Đức Huệ (Khu xử lý liên huyện) quy mô đất xây dựng 30-50 ha, phục vụ cho các huyện Đức Hòa, Đức Huệ; Phân vùng 3: Khu xử lý CTR Vĩnh Hưng (Khu xử lý liên huyện) quy mô đất xây dựng 30-50 ha, phục vụ xử lý chất thải cho TX. Kiến Tường, huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng; Tại phân vùng 4 xây dựng Khu xử lý CTR Cần Giuộc (Khu xử lý liên huyện) phục vụ cho Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ.
Phân vùng 5: Khu xử lý CTR Tâm Sinh Nghĩa (Khu xử lý liên huyện) quy mô 33,6ha, công suất 260 tấn/ngày Giai đoạn đến 2025 phục vụ cho thành phố Tân An, huyện Châu Thành, huyện Bến Lức, huyện Tân Thạnh, huyện Tân Trụ, huyện Thạnh Hóa, huyện Đức Hòa và huyện Thủ Thừa. Giai đoạn sau phục vụ 2 huyện Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Các khu xử lý định hướng yêu cầu phải đạt các nguyên tắc bố trí và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Khoảng cách từ hàng rào bãi chôn lấp trong khu xử lý tới chân công trình khác tối thiểu 1000m.
Quy hoạch tỉnh Long An định hướng việc xây dựng các khu xử lý chất thải theo các phân vùng tại địa phương (Ảnh minh họa).
Đối với các trung chuyển chất thải rắn, tỉnh Long An định hướng tất cả các khu vực đô thị được quy hoạch mới đều phải bố trí các khu đất để xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn nếu khoảng cách đến khu xử lý lớn trên 20km. Các khu vực đô thị bố trí trạm trung chuyển chính thức cỡ nhỏ (có bố trí hạ tầng kỹ thuật) với bán kính phục vụ tối đa 10km, diện tích bố trí tối thiểu 500m2. Khoảng cách ly yêu cầu từ hàng rào tới chân công trình khác tối thiểu 50m. Lắp đặt máy ép rác tại các trạm trung chuyển. Khu vực nông thôn bố trí các điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển không chính thức cỡ nhỏ diện tích 50-100m2.
Ngoài mục tiêu hoàn thiện hạ tầng các khu xử lý chất thải, tỉnh Long An nhấn mạnh đến các phương án xử lý hiệu quả các loại chất thải rắn. Cụ thể, đối với chất thải rắn nguy hại: Khuyến khích thu gom, xử lý chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh; xây dựng, phát triển các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung, quy mô vùng tỉnh, vùng liên tỉnh theo quy hoạch quản lý chất thải rắn được phê duyệt, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạn chế phát triển và giảm dần về số lượng những cơ sở xử lý có quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
Đẩy mạnh việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại tại các địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường việc thu gom, xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh thấp hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa;
Về chất thải rắn sinh hoạt: Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn, nâng cao tỷ lệ thu gom; Cải tạo nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tự phát và ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2030.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển tiến tới bù đắp chi phí xử lý, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tổ chức thí điểm thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng chất thải.
Về chất thải rắn công nghiệp thông thường: Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường; ưu tiên xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp; Ưu tiên triển khai các hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất.
Hải Nam
Bình luận