Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 01/02/2023 21:02
TMO - Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi hướng đến mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo dựng môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp số làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Trong năm 2022, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ngành NN&PTNT được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đầu tư. Trong đó, Sở NN&PTNT đã cung cấp 32 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt,bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú ý, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện chuyển đổi số tưới tiết kiệm, vận hành hệ thống tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu...trên diện tích gần 3.00ha; triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng của một số sản phẩm như dưa hấu, ớt. Ngoài ra, ngành chức năng đang triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý và theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò, lợn giúp cải tạo nhanh chóng chất lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Kết quả là sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh đạt 73,9%. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoản ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác phòng chống cháy rừng.
Đối với lĩnh vực thủy lợi, công tác giám sát, quản lý công trình có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính. Tín hiệu được truyền về đơn vị quản lý điều hành và website của Tổng cục Thủy lợi. Đến nay, đã hoàn thành lắp đặt và quản lý vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 10 trạm đo mực nước tự động tại các sông và hồ chứa nước. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh đang triển khai thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước nhằm hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý vận hành thủy lợi.
Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thử nghiệm sáng kiến tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến tàu cá. Ngoài ra, còn triển khai ứng dụng công nghệ mới trong khai thác thủy sản, hệ thống cơ giới hóa trong khai thác như máy tời thủy lực thu lưới vây; ứng dụng các nghề khai thác mới như: nghề mành chụp bốn tăng gông, nghề lưới rê bùng nhùng...; ứng dụng radar hàng hải, trang bị máy thông tin liên lạc kết hợp với định vị GIS.
Tỉnh Quảng Ngãi hướng đến mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo dựng môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp số, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp cũng như khắc phục những hạn chế, thời gian tới Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh được triển khai theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Trong đó, đối với nền kinh tế số địa phương này đặt mục tiêu 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và một số sàn thương mại điện tử, từng bước số hóa vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh; phấn đấu 50% sản phẩm OCOP được số hóa; chuyển đổi số toàn diện một số HTX nông nghiệp điển hình. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% cơ sở dữ liệu quản lý về các hộ dân bố trí ổn định theo hình thức tập trung, xen ghép, hoặc ổn định tại chỗ tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn... Đồng thời, chuyển đổi số toàn diện một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, địa phương này hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng các chức năng của phần mềm dùng chung ngành NN&PTNT đảm bảo thuận tiện, dễ sử dụng, phù hợp với yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động ngành, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu thông tin về ngành nông nghiệp.
Việc phát triển dữ liệu ngành Nông nghiệp được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai. Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật cần xây dựng dữ liệu hiện trạng vùng trồng trọt (lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả...) dữ liệu các công ty sản xuất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp trong canh tác; dữ liệu đối với đối tượng sinh vật gây hại cây trồng và thuốc BVTV phòng trừ; dữ liệu mã số vùng trồng...Cơ sở dữ liệu quản lý chăn nuôi, thú y bao gồm dữ liệu về trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, dữ liệu cơ sở giết mổ; dữ liệu kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; dữ liệu về quản lý dịch bệnh, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi.
Dữ liệu lâm nghiệp phân theo ba loại rừng; dữ liệu vị trí và trạng thái hồ chứa nước, điểm lấy nước phòng chống cháy rừng; dữ liệu vị trí các chòi, trạm của hạt kiểm lâm; đường ranh chữa cháy rừng; các khu bảo tồn thiên nhiên. Cơ sở dữ liệu quản lý thủy sản bao gồm: hiện trạng vùng nuôi trồng thủy sản (vị trí, diện tích, hình thức nuôi, sản lượng); dữ liệu môi trường dịch bệnh; khu vực bảo tồn thủy sản, thông tin khu bảo tồn; phân vùng mặt nước và chủ cơ sở được cấp quyền hoặc cho thuê sử dụng mặt nước...
Ngoài ra, địa phương này còn chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý, phòng chống thiên tai với dữ liệu về mưa lũ, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất.... Dữ liệu về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông lâm thủy sản; Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và bản đồ số về các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh với các thông số: Tên công trình, địa điểm GPS, đơn vị quản lý, quy mô công trình...
Thanh Nga
Bình luận