Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 01:01
Thứ hai, 12/06/2023 06:06
TMO - Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu là đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Để đạt được mục tiêu này việc hoàn thiện cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ của khách hàng sử dụng điện (không phát điện lên lưới) là một trong những giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo; đồng thời phù hợp với Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, EVN đã có một số văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng cung ứng điện toàn quốc và điều chỉnh phụ tải giai đoạn 2023 - 2025, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của EVN, báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nguy cấp về cung cấp điện. Tại các văn bản này, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương các giải pháp đảm bảo cung cấp điện, trong đó đề xuất phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ (không phát điện lên lưới - zero export) của khách hàng sử dụng điện.
Điểm b khoản 1 mục III của Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt về phương án phát triển nêu rõ: “Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.
Do đó, EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới (zero export) để triển khai thực hiện. Theo các chuyên gia, các tỉnh miền Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), với cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm khu vực miền Bắc khoảng 4 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khoảng 1.500 – 1.700 giờ. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện mặt trời cũng đang giảm nhanh.
Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có tính chất phân tán và thuận tiện để tiêu thụ tại chỗ. Ngoài mái nhà của các hộ gia đình, thì mái nhà của các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, nhà xưởng trong các khu công nghiệp… cũng là những nơi có thể lắp đặt.
Trước những báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN về những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam ngày 6/4/2020, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa được quy định trong các văn bản luật, nghị định nên cần có các cơ chế năng động, sáng tạo trong thực hiện thí điểm.
Nhiệm vụ trước mắt là cần có ngay cơ chế, chính sách khắc phục những bất cập, hạn chế trong Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời mái nhà phục vụ cho hoạt động dân sinh và của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý phải tạo điều kiện thông thoáng, có hướng dẫn kỹ thuật, an toàn, giảm thuế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện mặt trời, hỗ trợ người dân khi mua sắm…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời mái nhà phục vụ cho hoạt động dân sinh và của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu, kế thừa, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô, phạm vi, công suất… để tránh tình trạng lợi dụng của các cơ sở sản xuất điện mặt trời kinh doanh lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho điện mặt trời mái nhà; làm rõ và đơn giản hoá tối đa những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an…; xây dựng khung giá phù hợp đối với lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới…
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Trước mắt trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ xác định công suất điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu của các địa phương.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu, không bán điện lên lưới điện quốc gia nhằm mục đích tiêu thụ tại chỗ, do đó không xác định cơ chế giá điện. Giá bán điện mặt trời mái nhà tại quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ không còn áp dụng cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt sau ngày 31/12/2020.
Trước tình hình khó khăn về cung ứng điện, những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên tiếp có các cuộc họp, chỉ đạo những giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, nhất là đối với miền Bắc.
Tại cuộc họp ngày 3/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện. Trong đó có yêu cầu Bộ Công Thương, EVN nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 6/2023 về các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời mái nhà phục vụ mục đích tự sản, tự tiêu (nghiên cứu đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân…), bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.
Ngày 6/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 517/CĐ-TTg với nhiều nội dung chỉ đạo cấp bách nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện; chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện; tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.
Tiếp đó ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.
Minh Phương
Bình luận