Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Chủ nhật, 24/07/2022 06:07
TMO - Theo các chuyên gia, phát triển điện gió cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, khoa học công nghệ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.
Mới đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức cuộc họp tham vấn (trực tiếp và trực tuyến) kinh nghiệm các bên nhằm khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, trong đó, phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những bước đi quan trọng nhằm thực hiện việc chuyển đổi này, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh về điện gió ngoài khơi của nước ta.
Theo đánh giá của ông Trương Đức Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn mạnh hơn so với trên đất liền.
Ngoài ra, một ưu khác của điện gió ngoài khơi là thực tế triển khai điện gió ngoài khơi có nhiều không gian hơn, ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư so với các nguồn năng lượng khác, đồng thời các dự án điện gió ngoài khơi sử dụng diện tích đất ít hơn hẳn.
Việt Nam dự kiến phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và 54 GW nữa tới năm 2045 (Ảnh minh họa)
Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định các hồ sơ đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển. Đơn cử, nội dung quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển chưa cụ thể. Tổ chức, cá nhân khi đề nghị chấp thuận được đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển chưa rõ phải có hồ sơ, tài liệu với thành phần, số lượng...
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định việc cung cấp dữ liệu khảo sát dự án điện gió ngoài khơi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức cá nhân khảo sát phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án điện gió ngoài khơi đều sử dụng nguồn kinh phí tự có của tổ chức cá nhân; các dữ liệu thu được liên quan đến bí mật kinh doanh. Do vậy, việc cung cấp dữ liệu đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ, ngành, địa phương liên quan để thẩm định và đóng góp ý kiến cho các hồ sơ đề xuất đo gió. Qua các ý kiến góp ý cũng như thực tiễn phát sinh trong quá trình thẩm định hồ sơ cho thấy, cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý và quy định kỹ thuật một cách đồng bộ và toàn diện, làm cơ sở để Bộ TN&MT chấp thuận vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển.
Các nhà phát triển dự án cũng như nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế biển bền vững gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
Việt Nam dự kiến phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và 54 GW nữa tới năm 2045. Bên cạnh những thuận lợi để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi như có vùng biển rộng, nhiều khu vực biển có tiềm năng phát triển điện gió cao, thì còn có những vướng mắc cho cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư, chẳng hạn như hạ tầng truyền tải điện, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ khảo sát điện gió ngoài khơi hầu như chưa có, quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện chưa được hoàn thiện.
Để đạt được mục tiêu phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 các chuyên gia của Quỹ Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cho biết Việt Nam cần thực hiện khảo sát các khu vực xa bờ nhằm xác định các vị trí khả thi có thể phát triển điện gió ngoài khơi. Cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề này là cấp giấy phép cho các đơn vị phát triển dự án thực hiện các khảo sát trên một vùng biển đủ rộng để giúp chính phủ đưa ra quyết định có cơ sở về các khu vực phù hợp nhất cho điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, phát triển chuỗi cung ứng địa phương sẽ làm tăng hàm lượng nội địa hóa trong các dự án, do đó giảm nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, phát triển điện gió cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, khoa học công nghệ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.
Ngoài ra, Chính phủ cấp giấy phép cho nhà phát triển tư nhân tự thực hiện các khảo sát và cung cấp dữ liệu và kết quả khảo sát cho chính phủ theo định dạng được quy định trước. Sau đó, chính phủ có thể đánh giá kết quả khảo sát và quyết định những khu vực nào là phù hợp nhất để phát triển dự án.
Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các cơ quan Nhà nước quản lý về biển và năng lượng sớm phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể và dài hạn, tạo điều kiện về thị trường cho điện gió ngoài khơi cũng như các hoạt động liên quan như ngành hàng hải, an ninh quốc phòng, các khu bảo tồn biển, ngư trường, kết hợp các ngành kinh tế hướng biển khác.
Các vùng, địa phương ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi cũng cần sớm công bố quy hoạch để có định hướng đầu tư khảo sát, nghiên cứu khả thi, báo cáo tác động môi trường. Cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện gió nếu có thể hợp tác, lập ra quy tắc chung về chia sẻ thông tin cũng sẽ giúp giảm bớt thời gian, nguồn lực tài chính cho giai đoạn khảo sát. Bởi khi tham gia đấu thầu, bất cứ hồ sơ thầu nào cũng cần có đầy đủ số liệu đo đạc kỹ thuật.
Thùy Minh
Bình luận