Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 20/10/2023 14:10
TMO - Để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); đồng thời cần huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội…
Nhà ở là một nhu cầu thiết yếu của con người và là một trong những quyền cơ bản được hiến định. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở, đã ban hành nhiều chính sách về nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị và công nhân các khu công nghiệp. Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là chủ trương rất đúng và nhân văn, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là cần sớm hoàn thiện thể chế chính sách. Trong số đó, các địa phương cần ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả ở đô thị để sớm hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho hàng triệu người thu nhập thấp.
Đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các văn bản hướng dẫn dưới luật, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong đó, đã quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 đã xác định.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định, 03 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 03 Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đã tổ chức 02 Hội nghị toàn quốc liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.200 căn. Ngoài ra, 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn đã được cấp phép và đang triển khai xây dựng. 309 dự án với hơn 292.400 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Riêng nửa đầu năm 2023, cả nước khởi công 9 dự án, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 18.700 căn. Trong đó gồm 6 dự án nhà ở xã hội, 3 dự án nhà ở công nhân. Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Theo Bộ Xây dựng, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025".
Đối với nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, hiện nay đang được triển khai theo hai nguồn vốn ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Theo báo cáo, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội là một trong những giải pháp quan trọng được đẩy mạnh triển khai.
Với những kết quả bước đầu triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng nhận thức rằng việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Xây dựng rất mong nhận được các ý kiến đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về thực trạng triển khai Đề án, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục thực hiện một các hiệu quả các nhiệm vụ của mình, đồng thời kịp thời đề xuất với Chính phủ những điều chỉnh cần thiết và khả thi trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng; hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Qua thực tế triển khai tại địa phương, thành phố Hải Phòng đã đưa ra một số các giải pháp ưu tiên. Cụ thể, về đất đai, thành phố Hải Phòng sẽ lựa chọn, bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố nhằm chủ động và linh hoạt trong phát triển nhà ở (trong đó ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, các cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di chuyển, các khu nhà ở kém chất lượng cần thay thế).
Về chính sách hỗ trợ tài chính thời gian tới cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù về tài chính để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của thành phố; các cơ chế hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách khi thực hiện thuê mua, mua nhà ở xã hội, hỗ trợ ổn định cuộc sống tại các khu nhà ở xã hội mới; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất...
Thu Trang
Bình luận