Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ tư, 24/04/2024 08:04
TMO - Nhằm thích ứng linh hoạt với tác động của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại trong quá trình nuôi, chăm sóc tôm, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Trong những năm trở lại đây, nghề nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị phát triển khá nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Đặc biệt các hộ nuôi tôm đã chú trọng chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh; hình thành các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trọng điểm.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị là địa phương có ngư trường rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 5 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, có trên 8.000 lao động ngư nghiệp nhiều kinh nghiệm, diện tích vùng triều cửa sông và vùng cát ven biển hơn 3.500 ha, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm có giá trị kinh tế cao.
Năm 2023, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Trị đạt gần 3.400 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 1.302 ha, nuôi tôm công nghệ cao trên 107 ha. Sản lượng nuôi tôm nuôi đạt gần 8.600 tấn. Năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 35.076 tấn. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh triển khai xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, VietGap, Biofloc… đã đạt kết quả cao, năng suất bình quân đạt 17-18 tấn/ha/vụ.
Để tiếp tục duy trì và khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trong đó đẩy mạnh nghề nuôi tôm, người dân tỉnh Quảng Trị đã phát triển một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho kết quả tối ưu. Cụ thể, tại HTX nuôi tôm trên địa bàn xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích trên 23 ha, trong đó có khoảng 10 ha áp dụng nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2, 3 giai đoạn, các ao nuôi đều có hệ thống mái che. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức, đây là giải pháp hiệu quả giúp giúp điều hòa nhiệt độ. Bình quân đầu tư một ao nổi có mái che diện tích từ 800 - 1.000 m2 chi phí từ 300 - 400 triệu đồng tùy vật liệu sử dụng.
Bên cạnh đó, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao còn có hệ thống ao chứa với diện tích lớn, chiếm khoảng 70% diện tích khu nuôi tôm nên nguồn nước cung cấp được xử lý tốt, đảm bảo an toàn, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện HTX nuôi tôm tại xã Vĩnh Lâm cho biết, nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại HTX phát triển mạnh. Sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt trên 93 tấn, doanh thu đạt khoảng 16,5 tỉ đồng; trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 8 tỉ đồng. Năng suất, sản lượng và lợi nhuận tập trung chủ yếu vào các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi theo quy trình 2, 3 giai đoạn.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: NN).
Hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đều được triển khai thành công và mang lại hiệu quả cao cho người nuôi nhờ hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, giảm thiểu chi phí sản xuất. Đơn cử như năm 2023, trong khi các hộ nuôi tôm theo phương thức truyền thống tại huyện Vĩnh Linh thất thu với trên 250 ha tôm nuôi bị chết do dịch bệnh, môi trường nước bị ô nhiễm thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao, theo quy trình 2, 3 giai đoạn vẫn đạt hiệu quả.
Trước những kết quả mà nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại, nhiều hộ dân đã tích cực đẩy mạnh áp dụng khoa học tiên tiến vào quá trình sản xuất, chăm sóc tôm. Điển hình tại hộ nuôi tôm của bà Cao Thị Thúy thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Năm 2023, bà Cao Thị Thúy ở thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn với quy mô 1 ha. Trong đó, diện tích ao ương và ao nuôi là 0,3 ha, còn lại là diện tích ao chứa và xử lý nước.
Theo bà Thúy, với mô hình nuôi 2 giai đoạn này, ban đầu tôm giống được thả nuôi trong ao ương với mật độ 500 con/m2 , sau khoảng 1,5 tháng, khi tôm đạt kích cỡ từ 150 – 170 con/kg sẽ được chuyển sang ao nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 85%. Lúc này mật độ nuôi được giảm xuống còn từ 150 – 160 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, khi tôm đạt kích cỡ 38 con/kg thì bà tiến hành thu tỉa bớt tôm trong ao để giảm mật độ cũng như đảm bảo về mặt kinh tế. Sau khi thu tỉa xong, bà tiếp tục nuôi thêm gần 1 tháng, khi tôm đạt kích cỡ 26 con/kg thì thu hoạch toàn bộ.
Kết quả, sau gần 4 tháng nuôi, hộ sản xuất này thu về hơn 12 tấn tôm thương phẩm, tương đương năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng. Nuôi tôm trong ao nổi có mái che giúp người nuôi kiểm soát được nguồn thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa, chủ động môi trường nước, không sử dụng kháng sinh, giảm lượng chất thải xả ra môi trường... quan trọng nhất là giảm tỉ lệ hao hụt đầu con, kiểm soát, giảm thiểu rủi ro mầm bệnh từ nguồn nước cấp.
Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 954/QĐ-UBND Phê duyệt kế hoạch hành động phát triển ngành tôm Quảng Trị đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025: Sẽ hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ, để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.
Phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường để tăng năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (nuôi tôm trong nhà kính, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, Semi Biofloc, nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm sinh thái hữu cơ; nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP…). Hướng tới không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Tuấn Anh
Bình luận