Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 01:11
Thứ ba, 08/02/2022 14:02
TMO - Thời gian qua, diện tích lúa tham gia mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn TP. Cần Thơ không ngừng gia tăng, mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Mô hình cánh đồng lớn được thể hiện ở quá trình liên kết sản xuất của các hộ dân với doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ cung ứng các loại vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra, đảm bảo quá trình tiêu thụ ổn định cho sản lượng mà nông dân thu hoạch.
Đồng thời, mô hình cánh đồng lớn cho phép nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi khi có vùng nguyên liệu lúa gạo ổn định, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực tế cho thấy, lúa của nông dân trong mô hình cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. Riêng những mô hình sản xuất lúa giống, doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn đến 500 đồng/kg.
Tham gia mô hình cánh đồng lớn, nông dân được ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ liên kết, hình thành mô hình cánh đồng lớn gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp mà thời gian qua, nhiều hộ dân trồng lúa tại huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ vừa có đầu ra ổn định, lại được doanh nghiệp cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Năm qua, dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho nông dân vùng ĐBSCL trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản, trong đó có lúa. Tuy nhiên, các hộ sản xuất vẫn có đầu ra ổn định.
Mô hình cánh đồng lớn thực hiện tại TP Cần Thơ từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, hiện nay đã tăng lên hơn 32.000 ha/vụ. Nhờ chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng, lợi nhuận của nông dân trong mô hình có thể cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ so với nông dân ngoài mô hình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, nông dân tham gia cánh đồng lớn có điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiến bộ kỹ thật, quy trình sản xuất mới, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, thực hiện bơm tát nước tập thể và áp dụng đồng bộ nhiều loại máy móc cơ giới từ khâu làm đất đến gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sấy lúa. Từ đó, giúp giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí nhân công và thất thoát trong thu hoạch.
TP. Cần Thơ tiếp tục khuyến khích người nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn để ổn định đầu ra cho sản phẩm
Để nâng cao hiệu quả trồng lúa và giúp đầu ra sản phẩm ổn định, TP. Cần Thơ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp để phát triển cánh đồng lớn. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình và dự án quốc tế, trong đó có Dự án VnSAT, ngành Nông nghiệp thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và tăng cường năng lực hoạt động và khả năng liên kết, hợp tác giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, thông qua Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai tại Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện có quy mô lớn phục vụ cả cánh đồng, đầu tư máy cấy lúa, máy phun hạt, bón phân, xây nhà kho, lò sấy lúa… Dự án cũng đã tổ chức các hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều mô hình trình diễn để hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa.
Hiện nay, gạo của nước ta cạnh tranh với gạo các nước cả về giá cả, chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ chất lượng không ổn định, giá thành sản xuất cao sẽ khó tồn tại và phát triển. Do vậy, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác với nhau theo chuỗi giá trị ngành hàng, đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguyễn Ngọc
Bình luận