Hotline: 0941068156
Thứ năm, 06/02/2025 04:02
Thứ tư, 05/02/2025 15:02
TMO - Nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội xác định: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp...
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, hình thành những vùng sản xuất tập trung. Năm 2024, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của toàn thành phố đạt khoảng 3.244,19ha; trong đó chuyển sang cây hằng năm là 682,67ha, sang cây lâu năm 1.327,64ha và chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 1.233,88ha.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các địa phương đã linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn; hình thành các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ nông sản. Chuyển đổi cơ cấu, cây trồng còn giúp nông dân khai thác tối đa nguồn lực từ đất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập. Đồng thời khắc phục được tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp và tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác tại các địa phương trên địa bàn thành phố cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-6 lần. Cụ thể, chuyển đổi sang trồng rau ngắn ngày cho giá trị canh tác 200-300 triệu đồng/ha; mô hình hoa đạt giá trị 450-480 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, huyện Thường Tín đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạchtrên địa bàn huyện Thường Tín hiện có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Điển hình là các mô hình: Sản xuất rau an toàn tại các xã: Hà Hồi, Lê Lợi, Tân Minh, Ninh Sở; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã: Ninh Sở, Thư Phú, Hòa Bình, Lê Lợi, Duyên Thái, Tiền Phong; nông nghiệp giáo dục trải nghiệm ở xã Hồng Vân…
Mô hình trồng nho hạ đen của HTX Duy Tới tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín. Ảnh: NA.
Đáng chú ý, Tại HTX Duy Tới (xã Chương Dương, huyện Thường Tín) được sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ ngành Nông nghiệp Hà Nội và huyện Thường Tín, trong 2 năm qua, hợp tác xã đã trồng cây nho hạ đen. Với giá mà thương lái đặt hàng hiện là 130.000 đồng/kg, mô hình trồng cây nho hạ đen mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5-6 lần so với cây lúa.
Những năm qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đông Anh quy hoạch sản xuất vùng rau an toàn tập trung. toàn huyện có 800ha rau ở các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Tàm Xá... trong đó có 600ha được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; có 33 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ.
Thời gian qua, huyện Đông Anh chỉ đạo các phòng chức năng hỗ trợ các xã nằm trong vùng sản xuất rau an toàn thực hiện mô hình kiểm soát cộng đồng và áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Huyện hỗ trợ người dân thùng chứa, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; thành lập Đoàn liên ngành trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Gia Lâm đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 304,13ha, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất rau, hoa, quả tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa, đạt trung bình từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm và một số mô hình doanh thu lên tới hơn 1 tỷ đồng/ha/năm như: Vùng sản xuất cây ăn quả tại các xã Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Dương Quang, Cổ Bi, Dương Xá; vùng trồng hoa chất lượng cao tại xã Phù Đổng, Kim Lan, Lệ Chi; vùng trồng rau các loại tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên...
Năm 2024, huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; duy trì 1.693,5ha rau, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh… Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện trồng được 1.860ha rau, cây ăn quả an toàn, VietGAP và 372ha hoa, cây cảnh, góp phần nâng cao chất lượng nông sản cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Thu hoạch dưa lê vàng tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.
Theo Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa TP Hà Nội năm 2025, trong năm 2025, diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi trồng cây hàng năm là 535,38ha; diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi trồng cây lâu năm là 180,75ha; diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 561,21 ha.
UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch trên; hướng dẫn các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm, loại thủy sản phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn TP Hà Nội, đồng thời phù hợp với nhu cầu người dân.
Sở TN&MT chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai đối với diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa trên địa bàn TP Hà Nội theo quy định; phối hợp Sở NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch tại các địa phương.
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của diện tích đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa.
UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa cấp xã, phường, thị trấn; tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn trong thời hạn 30 ngày.../.
Hà Trang
Bình luận