Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 24/02/2022 16:02
TMO - Thị trường các-bon được coi là công cụ quan trọng nhất để giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay , Việt Nam đã chuẩn bị khá đầy đủ về cơ sở pháp lý, định hình rõ nét những nhiệm vụ chính cho việc hình thành và phát triển thị trường này.
Để tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển thị trường các-bon, Việt Nam đã trở thành thành viên của “Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường các bon Quốc tế” vào năm 2012 và chính thức triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” từ năm 2015. Đồng thời, nước ta đã triển khai một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)...
Việt Nam đã chính thức xây dựng thị trường các-bon trong nước bằng việc đưa nội dung này vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Từ đây, việc cắt giảm khí nhà kính không chỉ là khuyến khích như trước mà là bắt buộc bằng các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp, đối tượng phát thải lớn phải tham gia lộ trình giảm phát thải, hình thành và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước, hướng tới hòa nhập với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
Theo tính toán của giới chuyên gia, mỗi năm Việt Nam có thu về hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu tín chỉ các-bon rừng
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon nhằm đưa ra lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước.
Theo đó, các phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: Các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; công nghệ, quy trình sản xuất, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định đã quy định khá chi tiết về “Định giá các-bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các- bon trong nước”. Để thực thi hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Đề án phát triển thị trường các-bon đã chỉ ra những nhóm nhiệm vụ chính cần triển khai để thiết lập và vận hành thị trường các-bon như: Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường các-bon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; Hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước.
Việc xây dựng thị trường các-bon góp phần thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong đó, Bộ TN&MT là cơ quan có thẩm quyền xác nhận tín chỉ các-bon (giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn). Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch phải nộp đơn (theo mẫu) để Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận.
Sau khi có giấy xác nhận, tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính trở thành “hàng hóa” chính của thị trường các-bon. Lúc này, các cơ sở sở hữu mặt hàng này có thể tiến hành trao đổi tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định. Đặc biệt, các cơ sở có thể đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính.
Việc triển khai thực hiện tốt thị trường các-bon giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguyễn Ngọc
Bình luận