Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 09/06/2022 11:06
TMO - Theo đánh giá, ngành Nông nghiệp Việt Nam không chỉ chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. Việc triển khai các dự án, kế hoạch nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiện nay, ngành nông nghiệp góp 19% tổng lượng khí thải, và lúa gạo góp khoảng một nửa lượng khí thải của ngành và hơn 70% lượng khí thải metan.
Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp carbon thấp.
Trước đó, việc triển khai Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT) đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, đồng thời định hướng và giúp người dân thực hành nhiều tiến bộ kỹ thuật, vừa giúp tăng năng suất lúa gạo vượt trội, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Với việc áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa có thể tăng năng suất 5%, tăng lợi nhuận ròng 28,6% và giảm khoảng 8 tấn CO2e /ha/năm.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo xây dựng đề xuất Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh, với việc triển khai ý tưởng Việt Nam đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí thải nhà kính trong ngành nông nghiệp.
Nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở ĐBSCL cho thấy, có thể giảm 12 - 23 tấn CO2 bằng cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP); thay thế đất lúa kém hiệu quả bằng các hệ thống canh tác thông minh thích ứng với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.
Theo các chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới, việc áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” trên 600.000 ha (70% diện tích lúa còn lại trong vùng chính) ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 3,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Đồng thời, cần chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hệ thống canh tác carbon thấp bằng cách chuyển đổi 530.000 ha (70%) đất trồng lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL sang các hệ thống canh tác carbon thấp có lượng phát thải bằng một nửa, qua đó giảm được khoảng 2,6 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Bên cạnh đó, cần quản lý rơm rạ tốt hơn bằng cách tái chế 70% rơm rạ ở ĐBSCL (70% trong số 5 triệu tấn rơm khô) để sử dụng thay thế với ít phát thải khí nhà kính hơn (khoảng 50% so với đốt), sẽ giảm 2,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Giảm tổn thất thu hoạch/sau thu hoạch bằng cách giảm tổn thất thu hoạch/sau thu hoạch từ 13% xuống 7%, sẽ giảm khoảng 0,8 triệu tấn CO2e mỗi năm.
Mô hình tái canh cây cà phê bền vững tại Lâm Đồng
Đối với các tỉnh đã tham gia dự án VnSAT, tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình, biện pháp kỹ thuật đã được kiểm chứng tại dự án VnSAT. Số lượng tỉnh được WB dự kiến lựa chọn xây dựng đề xuất dự án Giai đoạn 1 là 8-10 tỉnh (các tỉnh thuộc vùng sinh thái ưu tiên là ĐBSCL và ĐBSH, nơi có tiềm năng đóng góp vào giảm khí thải nhà kính, tăng trưởng xanh).
Nhằm thực hiện hiệu quả dự án trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương báo cáo lãnh đạo tỉnh để rà soát, kiểm tra, sau đó khẳng định khả năng cùng tham gia dự án với Bộ NN&PTNT. Đồng thời, giao Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, cùng với Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp và các đơn vị của Bộ NN&PTNT thành lập nhóm chuẩn bị dự án, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới để xây dựng dự án.
Trong thời gian tới, Bộ NN& PTNT sẽ thống nhất ý tưởng và nội dung Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh trước ngày 30/6/2022. Ban Quản lý các dự án nông nghiệp xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề xuất dự án trước ngày 15/11/2022. Các đơn vị trong Bộ góp ý kiến và Ban Quản lý các dự án nông nghiệp chỉnh sửa, hoàn thiện trước ngày 15/12/2022.
Hiếu Phạm
Bình luận